Bản tin pháp luật số 8

1/ Lĩnh vực giáo dục:

a. Xét thăng hạng giảng viên: Ưu tiên người có thâm niên

Ngày 12/03/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Theo đó, trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên sau: Người có thâm niên công tác lâu hơn; Người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được khen thưởng trong vòng 03 năm liên tục liền kề với năm tổ chức kỳ xét thăng hạng.

Viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi: Cơ sở giáo dục nơi giảng dạy có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi xét duyệt; Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục; được thủ trưởng cơ sở giáo dục đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/04/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT tại đây.

b. Tuyển sinh ĐH 2018: Điểm ưu tiên khu vực giảm một nửa

Quy chế tuyển sinh đại học chính quy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi ngày 01/03/2018 tại Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT và có hiệu lực từ ngày 16/04/2018.

Quy chế mới quy định về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực như sau: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 03 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Trước đây, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực cao nhất năm nay chỉ còn 0,75 điểm, thay vì 1,5 điểm như những năm trước.

Bên cạnh đó, từ kỳ tuyển sinh năm nay, các trường đại học, cao đẳng được tự xác định điểm sàn. Riêng ngành đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Có thể xem chi tiết Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT tại đây.

c. Tuyển sinh đại học phải căn cứ vào nhu cầu lao động

Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/02/2018.

Theo Thông tư này, có 03 tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, gồm: Tiêu chí số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành của cơ sở giáo dục; Tiêu chí diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo; Tiêu chí nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Các ngành đào tạo đại học chính quy đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó, nhưng không vượt quá 120% chỉ tiêu đào tạo của năm trước liền kề.

Các trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT tại đây

2/ Lĩnh vực lao động – tiền lương:

Những trường hợp người lao động được khởi kiện tại Tòa án

            Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp… người lao động có quyền khởi kiện vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc thủ tục tố tụng hành chính.

            Người lao động có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự trong 03 trường hợp: Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.

            Người lao động có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính trong 02 trường hợp: Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Đã hết thời hạn mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.

            Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

Có thể xem chi tiết Nghị định 24/2018/NĐ-CP tại đây.

3/ Lĩnh vực tài chính – kế toán:

a. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập đã được Chính phủ ban hành ngày 12/03/2018.

  • Hành vi nộp chậm báo cáo tài chính bị phạt đến 10 triệu

Việc công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, việc thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật hay cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán bị áp dụng mức phạt từ 20-30 triệu đồng.

Những hành vi nghiêm trọng hơn như không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không công khai báo cáo tài chính theo quy định phải nhận mức phạt từ 40-50 triệu đồng.

  • Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 05 triệu đồng

Nghị định này chỉ rõ, phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Mẫu chứng từ kế toán có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên…

Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên hoan theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán không đúng thẩm quyền; Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký; Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh theo quy định…

Cũng theo Nghị định này, hành vi lập sổ kế toán không ghi rõ tên đơn vị kế toán; Sổ kế toán không ghi bằng bút mực, ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới, ghi chồng lên nhau, ghi không cách dòng; Không đóng thành quyển sổ riêng cho từng kỳ kế toán hoặc không có đầy đủ chữ ký và đóng dấu theo quy định sau khi in ra giấy bị phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

Có thể xem chi tiết Nghị định số 41/2018/NĐ-CP tại đây.

b. Khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN

Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC đã được Bộ Tài chính ban hành ngày 16/03/2018. Thông tư này điều chỉnh quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong đó, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau… Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 25/2018/TT-BTC tại đây.

c. Sửa đổi một số hướng dẫn về thu nhập chịu thuế TNCN 2018

            Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 25/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành vào ngày 16/3/2018.

            Theo đó, sửa đổi hướng dẫn liên quan đến thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

            Cụ thể, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, bao gồm:

–          Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán.

–          Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp.

            Như vậy, so với hướng dẫn hiện hành tại Thông tư 111/2013/TT-BTC thì Thông tư 25/2018 dẫn chiếu cụ thể đến quy định tại “khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán”, “Điều 6 của Luật chứng khoán”, “Điều 120 của Luật doanh nghiệp”.

            Đồng thời, cụm “…thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần” được sửa đổi thành “…Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần…”.

            Thông tư 25/2018/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 25/2018/TT-BTC tại đây.

d. Vàng được coi là một loại ngoại tệ

            Nội dung này được thể hiện tại Thông tư 22/2017/TT-NHNN ngày 29/12/017, sửa đổi, bổ sung Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 16/2007/QĐ-NHNN.

            Cụ thể, vàng được coi là một loại ngoại tệ. Vàng tại tổ chức tín dụng được hạch toán tương tự như ngoại tệ, đơn vị là “chỉ” vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua bán vàng thông qua hai tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ.

            Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ hoặc vàng là tỷ giá mua, bán thực tế tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

            Bên cạnh đó, Thông tư này còn điều chỉnh tên của một số Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng, như: Tài khoản 20 – “Cho vay các tổ chức tín dụng khác” thành “Cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác”; Tài khoản 275 – “Cho vay khác” thành “Cấp tín dụng khác”…

            Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/04/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 22/2017/TT-NHNN tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.