Chị tôi

Sinh ra trong gia đình nghèo trên dải đất Miền trung nắng gió, bảy chị em chúng tôi phải trải qua tuổi thơ đầy vất vả khó khăn, Ba Mẹ tôi tần tảo làm lụng nhưng vẫn không thể cho các con một cuộc sống no đủ. Chị là chị cả trong gia đình, Chị luôn chăm sóc các em ân cần ngày đêm mà chưa một lần than thở. Để đỡ đần cho Mẹ, Chị luôn gách vác việc nhà, chăm sóc các em để Mẹ an tâm đi làm kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Chị kể, năm chị học lớp 9 cũng là năm Mẹ sinh thêm tôi, đến lớp Chị bị các bạn trêu ghẹo “Mẹ đẻ em nữa rồi, về giặt tã cho em đi Thủy”, Chị cũng hơi ngượng ngùng, nhưng vẫn đáp trả những câu đùa ác ý “đông con hơn đông của nhé”.

Tan học, Chị vội vàng quăng cặp sách để vào phụ mẹ nấu cơm, trông em, giặt giũ…Chị tất bật với những công việc nhà không tên, dáng người chị nhỏ nhắn xiêu vẹo với những gánh lúa, những xô nước đầy, những bó củi khô…

Mỗi khi sáu đứa em chúng tôi mặt mũi lem luốc, nheo nhóc, Chị lại vội vén tà áo sờn vai quẹt ngang mặt từng đứa rồi cười khúc khích. Chị luôn nhường nhịn và vỗ về chúng tôi, khi Mẹ đi chợ về, có cái bánh, cái kẹo Chị đều chia cho chúng tôi hết, Chị nhìn chúng tôi ăn ngon lành mỉm cười khen các em ngoan giỏi, có lần anh tôi hỏi “sao chị không ăn?” Chị vội trả lời “chị không thích ăn quà vặt”, lớn lên một chút, tôi mới hiểu được đó là Chị nhường cho các em, chứ thực lòng Chị cũng thích ăn bánh kẹo như chúng tôi vậy. Từ đó, mỗi lần Chị chia kẹo cho tôi, tôi cũng để dành lại, khi để được 1 nắm kẹo, tôi lại nhét vào tay Chị vài cái, Chị ngạc nhiên lắm…Tôi vẫn nhớ như in cái mùi nắng khét trên mái tóc, tà áo của Chị, những giọt mồ hôi trên gương mặt Chị và cả những nốt chai sần trên đôi bàn tay nhỏ ngày ấy.

Học hết lớp 12, Chị không thi Đại học mà xin Ba Mẹ tôi đi Xuất khẩu lao động ở Đức để đỡ đần kinh tế gia đình, Ba Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì thương Chị ở nơi xa xôi không biết sẽ ra sao, nhưng Chị vẫn quyết tâm đi để kiếm tiền phụ giúp Ba Mẹ. Ngày Chị đi, tôi níu chân Chị nói ngọng ngịu “chị mua quầng áo thể thục thể thao cho út nha”, câu nói này đến giờ Chị vẫn nhắc lại khiến chúng tôi bật cười.

Thế rồi, gia đình tôi cũng đỡ túng bẫn nhờ vào tiền Chị gửi về. 5 năm trôi qua, Chị trở về với rất nhiều quà bánh, nước mắt lăn dài trên má Ba Mẹ tôi ôm Chị vào lòng, chúng tôi hớn hở đón Chị về trong niềm vui sướng, Chị phát quà cho từng đứa em từ váy áo đến giày dép, Chị quay sang tôi và ướm thử một bộ quần áo thể thao màu kem có in hình con gấu rất đẹp, tôi nhảy cẫng lên thích thú, gia đình tôi đoàn tụ trong niềm xúc cảm vỡ òa…

Về được vài ngày, Chị nói với Ba Mẹ về ý định muốn thi Đại học Luật, Ba Mẹ tôi vốn biết Chị là người mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm nên cũng ủng hộ Chị. Chị chăm chỉ ôn thi ngày đêm, rồi quày quả khăn gói lên tỉnh để thi Đại học. Chị đỗ Đại học, gia đình tôi mừng khôn xiết, Chị bịn rịn chia tay Ba Mẹ và các em để lên tỉnh học tập. Với nỗ lực của mình, sau khi ra trường Chị cũng xin được một chân Thư ký tại Tòa án Huyện quê tôi. Không dừng lại ở đó, chị đăng ký học lên Cao học và ngày càng khẳng định bản thân mình trong cơ quan.

Mãi lo cho gia đình và sự nghiệp, năm 35 tuổi chị mới lấy chồng và sinh con. Đến nay, trải qua bao vất vả và cố gắng Chị đi từ Thư ký lên Thẩm phán và rồi bây giờ Chị đã là Chánh án của Tòa án Huyện. Chị đã khiến Ba Mẹ tôi nở mày nở mặt với xóm làng, gia đình tôi rất tự hào về Chị, những khi dạy dỗ chúng tôi, Ba Mẹ tôi thường lấy Chị làm gương để các em noi theo.

Giờ đây Chị đã có một gia đình hạnh phúc, một vị trí ngoài xã hội, có lẽ cuộc đời luôn công bằng cho những người có ý chí như Chị, với xã hội Chị là một người phụ nữ “trung hậu đảm đang”, nhưng với các em Chị vẫn là người chị giản dị, vẫn mãi là người chị yêu dấu của chúng tôi…

ĐOÀN THỊ BÍCH HẠNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.