Bài viết dự thi “Người Phụ Nữ tôi trân quý” [Số 03]: Mẹ quê hương

MẸ QUÊ HƯƠNG

“Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh
Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn
Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương
Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng”.

Trịnh Công Sơn

MẸ XƯA

Xin mượn giai điệu Ca khúc “Ca dao Mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để gợi nhớ lại hình ảnh Người Mẹ xưa. Mẹ xưa sớm hôm tần tảo gánh mưa đội nắng, ru con giấc ngủ êm đềm giữa mưa bom bão đạn. Những lời ru, lời dạy bảo của Mẹ nhẹ nhàng nuôi dưỡng con thành Nhân. Rồi Mẹ nghẹn ngào đưa tiễn con đi làm nhiệm vụ tổ quốc, mòn mõi trông ngóng con mỗi buổi cơm chiều trong hy vọng. Mẹ rơi nước mắt khi con trở về mang trong mình vết thương lửa đạn, và còn có cả những người con không trở về, nhưng mẹ vẫn chờ con từng ngày. Hình ảnh người Mẹ xưa trở thành lịch sử, là hình ảnh thiêng liêng và tượng trưng cho quê hương tổ quốc mong ngóng ngày hòa bình.

Mẹ xưa run run bê nồi cháo

Quặn lòng mỗi sáng thấy mai vàng

MẸ NAY

Nghe ca khúc xưa nghĩ về Mẹ hôm nay, người Mẹ thời 4.0 với công nghệ và internet. Mẹ thời bình hiện đại rồi không cơ cực và chịu đựng nhiều mất mát như thời chiến nữa, thay vào đó là những hi sinh thầm lặng trong tâm hồn. Mẹ nay biết sử dụng mạng xã hội, biết video call, đọc báo online, lướt web, biết xem cải lương trên youtube.

Mẹ giờ đã biết xài Face (Facebook)

Khi con nhớ mẹ đúng giờ online

Thời đại công nghệ phát triển, khoảng cách địa lý không còn là rào cản, nhớ nhà thì có thể nhấc điện thoại lên và gặp ngay người nhà, ngoài ra còn thấy cả hình ảnh trực tiếp. Người trẻ kết nối với bạn bè năm châu bốn bể qua mạng internet, nhưng lại mất dần kết nối với chính những người thân trong gia đình.

Tôi là dân tỉnh, trưởng thành, xa nhà, vào đại học ở thành phố, tốt nghiệp rồi đi làm, thành Danh, xung quanh có thêm các mối quan hệ và nhiều hơn những sự bận tâm. Cũng hơn tuần rồi chưa về thăm nhà dù nhà chỉ cách hơn chục tá cây số (120 km); hay đơn giản là nhấc máy lên điện thoại cho Mẹ hỏi thăm vài điều. Nhiều lúc cũng nghĩ Mẹ ở xa, rồi Mẹ chắc cũng không hiểu những việc mình đang làm kể ra chỉ khiến Mẹ mệt mõi và lo thêm. Gọi điện cho Mẹ vào những lúc tôi rảnh thì đã tối sợ Mẹ ngủ, vậy là từ lúc nào không biết, những cuộc gọi cho Mẹ đã thưa dần, Mẹ buồn. Khoảng cách địa lí không là bao xa mà sao những bức tường vô hình càng chất chồng chất lớp. Lúc còn nhỏ, chuyện gì cũng kể cho Mẹ đầu tiên, vì Mẹ là người thân nhất, mà nay nhiều chuyện lớn lại ít khi nào nói với Mẹ.

Lần nào có dịp về thăm nhà, dù đã lớn và ở cái độ tuổi làm cha làm mẹ, nhưng Mẹ vẫn coi tôi như một đứa trẻ, nựng nịu má mỗi khi tôi về nhà, thiếu điều là bế lên do tôi đã lớn quá rồi. Tôi cảm thấy đó quả thật là hạnh phúc, hạnh phúc không phải chỉ là có nhiều tiền hay của cải (để làm gì), mà hạnh phúc còn mang lại thật nhiều giá trị niềm vui của người thân khi họ còn ở bên ta.

Bạn thì sao? Bạn có nhớ rõ lần gần nhất  tâm sự với Mẹ là khi nào và về chuyện gì không? Và lần đó cách đây bao lâu rồi?

Xưa chiến tranh khốc nghiệt, người con lúc nào cũng hướng về hình ảnh Mẹ già đang chờ ngày đất nước chiến thắng để con trở về, những tấm thư tay viết vội trong bữa cơm nơi chiến tuyến mong được gửi về cho Mẹ đọc để bớt lo âu, chứa trong đó biết bao nhiêu cảm xúc, nhưng có nhiều tấm còn không được đến với tay Mẹ do những cách trở liên lạc. Nay hiện đại là thế, chỉ cần một cái nhấc máy là có thể gặp được, mà sao khoảng cách vô hình lớn đến vậy, tự hỏi là do gì, hay chắc là do con bận quá… quên mất Mẹ đã già đi!

Mẹ không cần con giàu có, thành công để gọi điện báo tin vui cho Mẹ, mà cái Mẹ muốn nghe đó là những sẻ chia, kể cả trong những lúc con gục ngã hay thất bại, để được thấy con mình vẫn còn bé bỏng và cần có Mẹ. Cuộc đời Mẹ chịu nắng mưa sương gió nhiều rồi, Mẹ đâu có buồn khi con thất bại miễn là con ổn định phương xa, ở nhà ăn cơm cực khổ thì Mẹ cũng cam chịu. Hạnh phúc khi con trưởng thành danh vọng, vui hơn nữa khi con nên Người.

Không ai sống mãi với thời gian, nhưng hãy lấp đầy thời gian đó bằng hạnh phúc cho mình và cả những người thương yêu. Tương lai của mỗi người con sẽ có đầy những kế hoạch, hoài bão, còn ở độ tuổi xế chiều thì mối quan tâm trọn vẹn của Cha Mẹ, chỉ còn là con cái.  Hãy cố gắng một tuần gọi điện về cho mẹ một lần để chuyện trò những chuyện buồn vui nhỏ to, để trở nên nhỏ bé lại với Mẹ.

Những người con tha phương kiếm sống chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ về quê hương. Với tôi, quê hương là nơi có người thân ta ở đó – MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG.

Kính chúc những quý cô, chị, em, người thương có thật nhiều sức khỏe, niềm vui và luôn hạnh phúc trong cuộc sống nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 #MyWO2O.

(Trong bài viết tác giả có sử dụng hình ảnh trích xuất từ internet và bài hát Ca dao mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để minh họa)

BÙI MAI HOÀNG LÂM – Đơn vị: VHU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.