Bài viết dự thi “Người Phụ Nữ tôi trân quý” [Số 04]: Tình mẫu tử

Thấm thoát đã 23 năm trôi qua. Chợt nghĩ lại, tôi không thể nhớ hết những kỉ niệm, những công lao mà đấng sinh thành đã dành cho tôi. Thơ ca có câu:

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”. (1)

Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, tôi xin phép được viết về Mẹ – Người Phụ nữ mà tôi trân quý.

Nói về Mẹ, tôi không thể nào kể hết những kỉ niệm mà hai mẹ con đã cùng trải qua. 23 năm – quãng thời gian đủ dài để tôi trưởng thành và hiểu rằng mình đã làm khổ mẹ rất nhiều. Thuở sinh thời, tôi thường xuyên bệnh nặng và mẹ là người phải cực khổ chăm tôi qua những tháng ngày vất vả đó. Đến lúc lên năm, lên sáu, tôi lần lượt vào mẫu giáo rồi vào lớp một, hai năm đó là quãng thời gian tôi không thể quên trong đời vì bản thân tôi đã “đày đọa” Mẹ quá nhiều. Tôi còn nhớ như in những ngày Mẹ nắm tay dắt tôi đi học rồi phải ở lại trường đứng túc trực ngoài cửa sổ dù nắng hay mưa, chỉ cần nhìn ra không thấy Mẹ tôi sẽ khóc xanh người. Có lần Mẹ trốn về nhà làm việc, tôi khóc đến bủn rủn người, hàng xóm gần trường phải chạy đi tìm Mẹ đến cho tôi. Sau này nghĩ lại, tôi vẫn hay xúc động và tự hỏi không biết lúc đó Mẹ mỏi mệt đến mức nào? Mẹ có mỏi chân không? Rồi Mẹ có đói bụng không? Nghĩ đến đấy, lòng tôi quặn thắt. Chỉ vì nhút nhát, vì sợ lạc mất Mẹ mà tôi làm khổ Mẹ suốt thời gian dài. Khổ cực trăm bề nhưng nhìn con luôn đạt những thành tích cao trong học tập, luôn đứng tốp đầu về thứ hạng, tôi biết Mẹ vẫn luôn tự hào về tôi.

Từng ngày một, cứ thế tôi lớn lên trong vòng tay Mẹ. Ngày nhỏ, tuy Mẹ rất nghiêm khắc với tôi nhưng tôi vẫn luôn quấn lấy mẹ. Vì bản tính, tôi vẫn luôn vâng lời và ít khi làm Mẹ phiền lòng từ những lỗi vụn vặt. Tôi vẫn nhớ những ngày đi vườn làm lụng cùng Mẹ, đi chợ bán đồ rẫy nhà trồng, rồi đi làm nhãn thuê thâu đêm cùng mẹ,…. Đó là quãng thời gian ngây thơ, đẹp đẽ nhất đời tôi.

Thời gian qua nhanh, rồi cũng đến lúc tôi trưởng thành, năm 18 tuổi, tôi thi trượt trường công lập, đó là cú ngã tinh thần mà tôi phải chịu đựng và cố gắng vượt qua. Cũng năm đó, tôi quyết định chọn cho mình con đường mang tên Văn Hiến với ngành học mà bản thân đã xác định từ đầu. Chính Mẹ là người vẫn luôn ủng hộ, sát cánh bên tôi dù tôi chọn bất cứ con đường nào bởi Mẹ tin rằng con trai mẹ đã thật sự trưởng thành.

Năm nhất đại học, tôi nhanh chóng tìm cho mình công việc làm thêm để đỡ đần chi phí. Tôi làm qua rất nhiều công việc từ phục vụ nhà hàng, quán café cho đến tiếp thị, sampling,…. Cực nhất là những lúc chở hàng đi tiếp thị, tôi rong rủi khắp các nẻo đường Sài Gòn dù nắng hay mưa, dù sáng hay tối, lúc thì lạc đường, lúc thì phải dầm mưa để bán được hàng nhưng vì lương cao nên tôi vãn luôn cố gắng. Có làm lụng cực khổ, kím ra đồng tiền bằng chính sự nổ lực bản thân mới thấy trân quý và thương Mẹ nhiều hơn. Có những hôm vừa làm, vừa mệt, vừa đói, nhìn ai ăn cái gì cũng thèm, lúc đó tôi thấy nhớ những bữa cơm Mẹ nấu vô cùng, cũng chính lúc ấy mới thấm được câu:

“Cơm Mẹ nấu bữa ăn, bữa bỏ

Bước ra đời bữa đói, bữa no”. (2)

Rồi những ngày xa Mẹ, nhớ Mẹ cứ thế trôi qua. Rồi cũng đến ngày tôi tốt nghiệp ra trường, vươn ra biển lớn. Đến giờ phút này, tôi nghĩ mình đã thành công, thành công vì luôn có mẹ bên cạnh ủng hộ, thành công vì con đường tôi chọn vô cùng sáng suốt, đó chính là Trường Đại học Văn Hiến – Ngôi trường đã cùng Mẹ dạy tôi nên người, cùng tôi chắp cánh ước mơ.

Với tôi, Mẹ là người phụ nữ đẹp nhất thế gian, đẹp cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đẹp cả về nhân cách lẫn tâm hồn, luôn là người tần tảo, mẫu mực. Vừa phải chăm lo gia đình, vừa phải là trụ cột chăm lo vườn nông (do Ba tôi bận việc cơ quan nên vườn tượt từ nặng đến nhẹ đều do một tay Mẹ tôi làm, Ba tôi chỉ có thể phụ giúp những việc phức tạp về máy móc vào những giờ rảnh rỗi và ngày nghỉ), đôi lúc tôi biết Mẹ mệt mỏi vì quá sức nhưng mệt thì mệt, làm thì vẫn làm. Ở cái tuổi xế chiều gần lục tuần nhưng Mẹ vẫn không nề hà việc nặng. Hình ảnh Mẹ oằn gánh trên vai từng giỏ chanh, đẩy từng xe ổi từ vài chục đến vài trăm ký khiến lòng tôi không khỏi xót xa, đặc biệt là những lúc mưa gió đường lầy lắm khi trượt ngã. Thương mẹ là thế nhưng tôi lại chẳng thể phụ giúp vì khoảng cách địa lý, đó là những lúc tôi chạnh lòng nhất. Nhiều lần tôi khuyên Mẹ đừng làm nhiều việc nặng nhưng Mẹ vẫn cứ làm. Mẹ bảo làm để kiếm tiền, làm để chăm lo gia đình, làm để con có của ăn, của để sau này. Càng đau lòng hơn khi thấy Mẹ tay chân chay sần vì dãi nắng dầm mưa, đồng tiền làm ra lại không dám xài, mua cái quần, cái áo cũng phải đắn đo, trằn trọc. Ăn uống cũng thế, phần gì ngon là nhường hết cho chồng, cho con, bản thân luôn nhận về những thiệt thòi, phải chăng bản chất người phụ nữ Việt Nam là vậy?

Gia cảnh nhà tôi không quá khó khăn, tôi biết Mẹ rất thích đi du lịch nhưng hiếm khi Mẹ cho phép mình tự thưởng và làm điều mình thích. Tôi hiểu điều đó và rồi gắng dành dụm để biếu Mẹ, thế rồi Mẹ lại để dành và vẫn quyết không chịu đi, tôi không hiểu Mẹ nghĩ gì nhưng tôi biết Mẹ có nỗi khổ riêng. Có những lần Mẹ bảo ước được đến Đà Lạt một lần, điều tưởng chừng giản đơn với nhiều người nhưng đó lại là một mơ ước của Mẹ. Tôi vẫn ấp ủ những chất chứa ấy, lấy đó làm động lực phát triển bản thân, luôn phấn đấu và không ngừng nổ lực để vươn tới thành công, kiếm thật nhiều tiền để được cùng Mẹ và gia đình du lịch khắp nơi, đặc biệt là Đà Lạt vào một ngày không xa. Tôi nghĩ lúc ấy chắc Mẹ vui lắm, vui không phải vì được đi Đà Lạt mà vui vì con trai của Mẹ đã thực sự công thành danh toại. Tôi hy vọng, Ngôi nhà Hùng Hậu sẽ cùng tôi hiện thực hóa giấc mơ ấy – giấc mơ về tương lai thành đạt.

“Kể về Mẹ thì biết bao cho đủ

Mẫu tử ta thiêng liêng, cao quý biết nhường nào”.

Tôi mong sao Mẹ sẽ luôn sống vui, sống khỏe, sống thật lâu cùng con cháu, chứng kiến tôi thành đạt hơn từng ngày. Dẫu những lúc tôi lầm lỗi, tôi chưa hoàn hảo, tôi không bình thường về một khía cạnh nào đó nhưng tôi sẽ vì Mẹ mà làm tất cả để Mẹ được vui và an lòng. Tôi cũng hy vọng những ai còn Mẹ sẽ luôn yêu thương, trân quý, lan tỏa, sẻ chia những tình cảm sâu sắc nhất đến Mẹ mỗi ngày, hãy trân trọng những gì ta đang có, đừng bao giờ để Mẹ phiền lòng, thao thức vì các con.

“Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không”.(3)

Huỳnh Văn Vinh

Đơn vị: Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp – HHE

(1), (2), (3): Thơ sưu tầm, không rõ tác giả. 

Một số hình ảnh về Mẹ:

Một trong số ít tấm ảnh mà tôi chụp lén được Mẹ cười tươi khi cùng con trai đi thăm vườn. Không cần khoác trên mình bộ cánh lộng lẫy; Chỉ cần đơn giản, mộc mạc, Mẹ vẫn là người phụ nữ đẹp nhất trong tâm trí tôi
Trong sâu thẳm đôi mắt ấy, tôi thấy Mẹ vẫn luôn yêu thương, lo lắng dù các con có ở phương xa nào. Sinh được 2 người con nhưng các con đều ở xa, lủi thủi một mình suốt ngày ngoài vườn, tôi biết nơi ấy Mẹ vẫn luôn mong con, nhớ con, chờ con từng ngày
Mẹ lên Sài Gòn tham dự Lễ tốt nghiệp của tôi vào năm 2018 tại Nhà hát Hòa Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.