Bài dự thi số 21: Chuyến khám bệnh trước thềm xuân (Cuộc thi viết: Xuân gắn kết – Tết đoàn viên)

Ấy là câu chuyện thật . . .
Trời tháng chạp trên vùng đất đỏ miền Đông khá trong trẻo, nắng nhẹ, không khí lạnh se se. Đoàn chúng tôi gồm hai thầy cô giáo, bốn sinh viên và năm bác sĩ trong chuyến thăm khám bệnh từ thiện về Bù Đăng – Bình Phước. Ai cũng háo hức và phấn chấn bởi hành trình không quá dài, chỉ hơn 100 cây số qua đường 13 rồi 14 rất tốt để về Bù Na khám bệnh cho đồng bào nghèo mà khá nhiều là người dân tộc Stieng. Vùng này, đất đỏ ao, chủ yếu là những vạc rừng cao su bạt ngàn, cây nối cây, hàng thẳng tắp. Cây cao su có đặc điểm sẽ rụng lá qua mùa khô và thời điểm chúng tôi đến, lá bắt đầu rơi lả chả, rừng sắp có diện mạo mới – đó là rừng cao su mùa thay lá đón xuân về.
21
Nơi chúng tôi đến là Trường Trung học cơ sở Nghĩa Trung, cái tên rất hay mà thầy hiệu trưởng nói là sự ghép lại của “Nghĩa tình miền Trung” vì dân cư phần đông là đồng bào có gốc gác Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi cùng sinh sống cạnh đồng bào dân tộc Stieng. Bốn bên trường toàn rừng cao su nên khung cảnh đẹp buồn và yên ả. Ngôi trường rất rộng với dãy nhà 2 tầng cũ và mới đang hoàn thiện, khoảng 3 tháng nữa, trường sẽ rất khang trang. Có điều vì đất đỏ nên cái gì cũng cứ đo đỏ từ gốc cây, ghế đá đến bờ tường, . . . làm cho không gian cứ cũ cũ, buồn buồn theo màu sắc ấy. Tầm 8 giờ sáng, sau khi đi qua đoạn đường rợp bóng su (dân ở đây không ai gọi là cao su mà gọi tắt), xe vào trường. Người dân tập trung từ rất sớm, phần lớn là người cao tuổi và trung niên. Xã đoàn, huyện đoàn, tỉnh đoàn và anh chị em ở Đài phát thanh truyền hình Bình Phước đến trước đã chuẩn bị sẵn chỗ khám, treo băng rôn, quà cho bà con. Đoàn trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh xuống xe, anh em tay bắt mặt mừng, bà con thì gật đầu chào bác sĩ. Đúng là làm bác sĩ, khoác áo blouse trắng lên là ai cũng yêu quý và kính trọng hết. Chúng tôi cũng thơm lây. Các bạn sinh viên trường cũng mặc blouse trắng, trông cũng không kém các bác sĩ!
Tôi nói với cô Hải Yến (Phòng tuyển sinh):
“Lần sau, chắc anh phải sắm cái áo này quá, có ai hỏi thì anh nói là phụ của phụ tá bác sĩ!”.
Cả đoàn cười rơm rả . . .
Công việc thăm khám bệnh như thế này rất quen thuộc với chúng tôi. Vào vị trí rất nhanh và bà con lần lượt vào hàng, thứ tự đo huyết áp, bắt mạch, khám bệnh và nhận thuốc. Có những cụ già gần 80 lụm khụm, trông thương lắm, cá biệt có hai cụ ngoài 90. Ông cụ người Stieng nói chậm rãi, hụt hơi với bác sĩ Khánh Vi:
“Tui bịnh tùm lum hết nhưng chắc cho tui thuốc máu cao và đau xương”.
Bác Vi cười hiền hậu:
“Ông có bao nhiêu bệnh, ông kể ra hết, con sẽ cho thuốc ông uống 1 tháng luôn”.
Ông cụ nói rất khó nghe rõ:
“Vậy là qua tết hả bác sĩ? Tết này chắc tui đỡ đau và ăn tết ngon rồi”.
Bác Vi lại an ủi:
“Ông sẽ ăn tết ngon lành luôn nhe ông. Qua tết, tụi con xuống tái khám cho ông”.
Tết gần đến rồi sao? Tôi chợt nhớ còn 20 ngày nữa . . . Các bác sĩ tất bật, các em học sinh cũng thế. Cô tuyển sinh thì chụp ảnh. Còn tôi thì đi qua đi lại nhìn, ai cần hỏi gì, chỉ cho họ và quan sát. Thấy cuộc đời đáng yêu với những tấm lòng nhân ái vì đồng bào mình và thấy thương đồng bào mình, còn lắm những khó khăn.
Chuyện mà tôi muốn kể đây là cái đặc biệt của lần khám bệnh này. Đó là bao lần khác thì thường khám tại trạm y tế hay nhà chùa nhưng lần này tại trường vì sự kết nối của các ban đoàn thể ở xã, huyện, tỉnh với nhà trường: Trường THCS Nghĩa Trung có một học sinh đang là sinh viên trường Vạn Hạnh! Chính vì vậy, bạn sinh viên của chúng tôi rất háo hức, hồi hộp và hạnh phúc. Trên đường đi, bạn huyên thuyên nói về quê hương, về hạt điều, về dòng mủ su trắng rồi bạn nói nghe đáng yêu:
“Nhờ mủ su mà ba con nuôi con học á!”.
Khi đoàn thăm khám thì có 3 thầy cô giáo cũ của em đến, có thầy cô chở người thân, có cô đi khám và có cô chỉ đến vì biết có học trò cũ về trường. Các thầy cô vui mừng lắm. Thầy Dũng dạy thể dục nói với tôi rằng:
“Con bé nay nhìn như bác sĩ. Mới học lớp 9 mà đi Sài Gòn học thì mới đầu ai cũng lo. Chính tôi cũng nghĩ là cháu nên học tiếp cấp 3 dù biết có chính sách khuyến khích học nghề của nhà nước. Nay, thấy mừng cho học trò và ba má cháu. Nói chứ học ba năm cấp ba lâu lắc rồi học đại học chắc gì xong. Cái nghề vẫn là tốt nhất. Năm nay, tôi sẽ mạnh dạn nói cho học sinh nghe về điều này”.
Tôi tâm sự:
“Thật ra, bản thân mình đi tuyển sinh khó muôn vàn. Quan niệm người Việt mình ham danh vị học cao. Thấy con còn nhỏ. Thấy con người ta đi học thì tội cho con. Cái câu hết sức sai lầm mà cha mẹ vẫn cứ nói: “Học đại học ra còn thất nghiệp thì học trung cấp làm cái gì giờ!”.
Quý thầy cô giáo và chúng tôi cùng nhiều phụ huynh bàn luận xoay quanh câu chuyện học nghề và câu chuyện cô bé y sĩ đo huyết áp, phát thuốc, dặn đơn cho bà con từ sáng đến giờ. Cô sinh viên của chúng tôi cứ là tâm điểm của buổi khám bệnh bởi nhà em ở ngay đập nước – khu vực có cảnh đẹp nhất thôn mà bà con hay đến lấy nước, dạo mát, thể dục sáng chiều.
Cô sinh viên nhỏ nhắn trong màu áo blouse trắng chỉ hơi mất tựu tin và mắc cỡ khi đo huyết áp cho một vị khách U50 là ba mình. Tôi dặn: “Con xem ba con như bệnh nhân bình thường nhé! Ba con đang muốn xem thử sau 5 tháng học nghề y thì con mình như thế nào”. Sau khi nhận thuốc xong, người nông dân chân chất ấy đến cảm ơn chúng tôi và tặng chút quà quê là những hộp hạt điều rang muối – đặc sản của quê hương.
“Cảm ơn các thầy cô, các bác sĩ lắm. Năm nay, chắc nhà tôi ăn tết lớn hơn! Con tôi tặng thầy cô và bác sĩ mấy hạt điều ăn lấy thảo”, ông chú nói.
Tôi thay mặt đoàn cảm ơn đã cho con đi học và món quà quê:
“Cảm ơn anh rất nhiều. Hai năm nữa, con bé ra trường, nhà trường sẽ giới thiệu việc làm. Anh biết là ông bà mình nói “Nhất nghệ tinh – Nhất thân vinh” và trường của chúng tôi đang trên đà lớn mạnh, sắp có phòng khám đa khoa, sắp nâng lên cao đẳng nữa nên anh hãy yên tâm khi cho con ăn học. Năm nay, nhà anh ăn tết vui hơn vì mấy bữa nữa con anh về quê ăn tết. Chúc anh và gia đình có một mùa xuân an vui, hạnh phúc!”.
. . .
Thế là chúng tôi đã mang một chút an vui cho nhiều đồng bào mình trong dịp xuân về. Niềm an vui đó còn là mang đến cơ hội học hành cho con em của đồng bào. Chúng tôi muốn lan tỏa cơ hội ấy – cơ hội học nghề y dược cho các em học xong lớp 9. Mùa xuân tươi vui khi vạn vật và con người tươi vui. Với chúng tôi mùa xuân đến rất thật và rất gần . . .
Đoàn Ngọc Lệ – HEH