Trong vòng tay mẹ

Mẹ là người hiền lành, chịu thương chịu khó. Ngày còn nhỏ đã biết thu vén nhà cửa luôn ngăn nắp sạch sẽ. Mẹ chu đáo trong từng việc nhỏ nhất. Các bác vẫn nói, mẹ là bản sao của bà ngoại. Mẹ đến với ba khi ông nội và ông ngoại là hai người bạn thân của nhau. Ba vốn yêu văn nghệ, không như mẹ, mẹ ít tiếp xúc với những thú vui ấy. Ba vốn là người thích đây đó, không như mẹ, mẹ thích sự tĩnh lặng và bình yên. Nên mẹ luôn thu vén cho ba đầy đủ nhất có thể để ba tự hào rằng có mẹ – là vợ ba.

Gia cảnh dần không đầy đủ như trước, khi anh em con lần lượt ra đời. Mẹ phải chạy vạy Nam – Bắc để kiếm kế nuôi anh em con. Nhớ có lần 30 Tết, đã hơn 8 giờ tối mà mẹ vẫn chưa về. Ngay từ sáng sớm hôm ấy, cứ hễ nghe tiếng còi tàu là ba lại dắt xe, chạy ra ga đón mẹ. Anh thì chạy đi khoe hàng xóm: “Mẹ con sắp về”. Con thì đu lên cửa sổ, thõng chân ra ngoài ngồi chờ. Còn em thì thút thít bên chén cơm bà nội đang đút: “Mẹ về con mới ăn”. Mãi đến gần 10 giờ đêm, khi bà nội bắt cả ba anh em vào giường với câu thở dài: “Năm nay mẹ mày đón Tết trên tàu rồi…”, và mọi chờ mong đã không còn hi vọng thì tiếng chuông xe xích lô reo vang và dừng ở cửa. Mẹ xuất hiện trong sự reo hò sung sướng của ba anh em, quăng tất cả ngoài xe, ngoài hiên, ùa vào nhà, hai tay giang rộng quơ quàng tứ phương, được đứa nào ôm đứa nấy… Năm ấy xuân đến với nhà mình sớm hơn 2 tiếng đồng hồ…

Rồi cuộc sống vẫn càng ngày càng khó. Tháng 3 năm ấy, mẹ dắt Đức vào Nam để tìm cuộc sống mới cho gia đình, để lại anh và con cho bác. Trẻ con đủ lớn không nhớ mẹ, nhưng cũng hơi buồn khi không có mẹ, lại hay bị người này người kia trêu. Nhưng không buồn mẹ. Ở trời Nam, mẹ vắt tay lên trán mỗi ngày: “không biết anh em nó ngoài đó thế nào”. Rồi mẹ quyết: “tháng 7 này anh ra đưa chúng nó vào cho em, vào đây mẹ con với nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Và mẹ khóc…

Anh em con vào Nam, mẹ thêm nặng gánh lo. Mẹ phải thức dậy từ 1 giờ sáng để đi cho kịp buổi chợ. Lúc ấy mẹ còn bán bánh cam, thứ bánh làm từ bột gạo. Mẹ chưa biết cách, nên khi chiên, bánh hay xì ra, nhiều người gọi đùa bánh của mẹ là “núm vú chiên”. Anh em con lớn lên bởi những mâm “núm vú chiên” ấy. Mẹ dạy chúng con biết hăng say làm việc, biết tiết kiệm. Nhà không có con gái, nên anh em con phải chia nhau ra làm hết mọi việc trong nhà. Mẹ dạy cho chúng con biết tự sống khi không có mẹ ở bên.

Ngày ấy con không hay đòi mua này mua kia. Chiều 30 Tết, mẹ dắt ra chợ mua cho đôi sandal. Ôm đôi dép trong ngực, lí nhí: “Con cảm ơn mẹ”. Các cô bán hàng nhìn con trìu mến, còn mẹ ôm con vào lòng: “ráng học giỏi con nhé”. Con nhớ mãi nụ hôn của mẹ trên tóc, và mùi mồ hôi khét cháy khi con áp vào ngực mẹ. Nhớ mãi vòng tay mẹ năm ấy.

Mẹ ít khi thể hiện tình cảm của mình với anh em con. Nhưng có những đêm giật mình tỉnh giấc, khi mẹ ra chợ bán hàng, thấy mẹ ôm từng đứa em mà thơm, mà hôn… nhắm mắt nằm chờ, rồi cũng tới lượt con. Mẹ không nhẹ nhàng như những bà mẹ khác, vì mẹ ít nói. Nhưng anh em con vẫn khôn lớn, trưởng thành trong vòng tay mẹ, không hề thiếu thốn tình cảm của mẹ, thậm chí còn thấy tràn đầy.

Ở vào tuổi ngoài 30, đã đi nhiều nơi, mối quan hệ liên tục mở rộng, chia sẻ, tâm sự với bạn bè cũng nhiều, nhưng khi va vấp trong cuộc sống cũng chỉ biết chạy về sà vào lòng mẹ. Vòng tay mẹ vẫn siết chặt, bàn tay mẹ vẫn vỗ về… Con vẫn là trẻ thơ trong tay mẹ.

Ngày của mẹ, nguyện chúc mẹ luôn hạnh phúc bên ba; vui khỏe bên con cháu và chúng con luôn được trong vòng tay mẹ. Con yêu mẹ.

Trần Mạnh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.