Cuộc đời tôi gắn liền với nhiều người phụ nữ. Có người mang cho tôi niềm vui, người mang cho tôi nỗi buồn, có người mang cho tôi ý chí nghị lực, người lại mang cho tôi những trăn trở băn khoăn. Nhưng để có con người tôi của ngày hôm nay, ngoài những nỗ lực của bản thân còn kể đến là công ơn sinh thành của một người phụ nữ trung hậu mà tôi yêu quý – đó là Mẹ.
Ai cũng có những khó khăn khổ cực và Mẹ tôi cũng không phải là ngoại lệ. Bà Ngoại mất sớm, ông Ngoại theo cách mạng rồi cũng hi sinh ở quê nhà Rạch Giá – Kiên Giang. Các cậu cũng lần lượt theo cách mạng rồi hi sinh chỉ còn lại Mẹ và dì Út ở nhà không ai chăm sóc nên được dắt lên Sài Gòn gửi nuôi ở nhà bà dì Hai.
Từ một người thiếu thốn sự chăm sóc yêu thương của gia đình, phải vừa học ban ngày chiều đi làm việc vặt và phụ việc nhà, Mẹ đã vất vả bươn chải mưu sinh. Cuộc sống cứ thế trôi qua được vài năm thì bà dì Hai mất, Mẹ phải qua nhà bà dì Tám để ở nhờ đồng thời phụ bà việc nhà.
Lúc này mẹ vừa đi học vừa đi dạy luyện thi Đệ Thất cho một trường vốn có hiệu trưởng là ông Đốc – tên mọi người trong khu vực hay gọi dành cho hiệu trưởng. Ông cũng chính là ba chồng tương lai của Mẹ – ông Nội của tôi sau này. Trường có cam kết với phụ huynh học sinh là thi đậu trường Gia Long và Petrus Ký (sau này được đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong) thì mới đóng tiền nên uy tín rất cao trong khu vực quận 8 thời đó.
Để được dạy ở đây khi mới cỡ 16-17 tuổi Mẹ đã dám chấp nhận làm cam kết với ông là nếu đứng lớp mà có học sinh thi trượt sẽ không nhận phần học phí của những học sinh đó. Và mẹ đã làm tốt chuyện đó dù việc dạy học cho các học sinh nhỏ hơn mình 1 -2 tuổi không dễ dàng gì.
Mẹ gặp Ba có lẽ cũng là duyên phận. Ba hiền lành ít nói nhưng được tính kiên trì. Theo đuổi mãi gần 5 năm Mẹ mới đồng ý kết hôn. Đám cưới Ba Mẹ khi đó không hoa lệ hào nhoáng nhưng mọi thứ đều ngăn nắp chỉnh chu do một tay Mẹ sắp xếp. Sống ở Sài Gòn một thời gian sau đó Ba Mẹ lên Pleiku. Ba làm kiến trúc sư ở công trường xây dựng, Mẹ ở nhà chăm hai anh chị của tôi. Lúc đó cuộc sống cũng có thể gọi là sung túc dưới một tay Mẹ quán xuyến.
Sau đó giải phóng gia đình tôi phải vào lại Sài Gòn. Lúc này anh chị tôi đã ra đời và chỉ mới 2 – 3 tuổi nên chị tôi được gửi xuống ông Sáu còn anh tôi theo Ba ra công trường để Mẹ có thể đi học lớp kế toán. Học xong khóa này Mẹ đi thực tập rồi ra làm kế toán trưởng suốt mấy chục năm sau đó.
Mỗi ngày mẹ phải đạp xe cả chục cây số đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về tới nhà. Về đến nhà Mẹ còn phải vất vả lo bữa ăn tối cho gia đình. Có hôm anh tôi vì thương Mẹ nên mới lấy gạo ra vo, còn chị thì nhóm lửa bắt nồi lên. Vì là những đứa trẻ 4-5 tuổi chỉ biết bắt chước người lớn nấu cơm nên anh chị lấy hết gạo ra nấu.
Mẹ tôi rất giận lôi ra đánh một trận vì đây là phần gạo của cả nhà ăn trong một tháng. Vừa đánh Mẹ vừa hỏi anh tôi: “Vì sao con phá như vậy?”. Anh tôi mếu máo trả lời: “Con muốn phụ mẹ nấu cơm mà!”. Tưởng tượng hình ảnh hai đứa trẻ 4 – 5 tuổi kéo cái nồi to đùng lên bếp, mặt mũi tèm lem lọ nồi, gạo trong nồi thì bị sình thiệt là chuyện bi hài không tưởng. Hậu quả của chuyện này là tháng đó cả nhà không có gạo ăn còn chị tôi thì bị phỏng chân. Mỗi ngày cả nhà phải ăn khoai mì, khoai lang, bo bo trừ cơm. Rồi một thời gian sau Mẹ mang nặng đẻ đ au tôi. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được những gì mà Mẹ đã trải qua trong giai đoạn đó. Do công việc, Ba phải xa nhà vào lúc tôi sinh ra nên Mẹ gửi anh chị cho ông Nội nuôi còn mẹ xuống nhà cô Hai – chị của ba tôi ở Long An để có người chăm sóc.
Những hôm trái gió trở trời mưa gió bão bùng, nhà tranh vách đất dột nát Mẹ phải nằm sau hè mà sưởi than. Có những lúc cần mua cái này, thèm ăn cái kia nhưng do khu vực heo hút đồng không mông quạnh Mẹ cũng đành cắn răng chịu đựng. Cô Hai của tôi là bà mụ cũng có việc riêng của mình nên không phải lúc nào cũng túc trực sẵn ở nhà. Rốt cuộc Mẹ tôi vẫn phải một thân một mình tự lo. Đến giờ hậu quả của nó vẫn làm cho mẹ phải đau nhức xương khớp mỗi khi trở trời.
Do Ba vắng nhà, mọi thứ đều do mẹ một tay quán xuyến. Mẹ phải đi làm để nuôi tôi và anh chị. Lúc đó tôi hay bệnh liên miên, có hôm bị sốt mẹ phải thức khuya canh chừng đắp khăn cho tôi bớt sốt. Rồi có lần tôi bị một trận ốm thập tử nhất sinh tưởng không qua khỏi, Mẹ phải vất vả trăm bề vừa lo cho ông Nội già yếu vừa lo cho anh chị vừa chăm tôi. Nhớ đến đây lòng tôi như thắt lại. “Mẹ ơi! Công ơn mẹ cả đời này con trả cũng không hết.”
Tôi dần lớn lên trong vòng tay của Mẹ. Những lần tôi nghịch dại, những lần cúp học đi chơi Mẹ tôi biết được đánh cho một trận. Đối với tôi, nó đơn giản chỉ là đòn roi mà có nào hay “Thân con đau một còn lòng Mẹ đau mười”.
Dù là đứa con ngỗ nghịch như vậy nhưng tôi cũng học được ở Mẹ những đức tính tốt. Thứ nhất là trung thực và không nói dối. Mẹ làm kế toán trưởng nhiều năm nhưng chưa bao giờ các thủ trưởng dám thông đồng với mẹ để tham ô ngân quỹ. Mẹ cũng thường nói với tôi rằng nếu phạm lỗi, nói thật Mẹ sẽ tha, còn nếu nói dối Mẹ biết sẽ đánh gấp đôi. Vậy mà có lần khi còn nhỏ tôi cũng dấu Mẹ chuyện bỏ học ngoại ngữ cả tháng trời. Mẹ biết được đánh một trận thừa sống thiếu chết. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ kỉ niệm này.
Mẹ cũng rất mê thể thao. Mẹ đánh bóng bàn rất giỏi, nhiều năm liền đoạt giải 1 toàn quận kì thi cán bộ công chức. Mẹ cũng là một huấn luyện viên giỏi của bộ môn yoga và từng làm việc cho CLB Hưu Trí Q5 và công ty cấp nước Tân Hóa quận 5.
Đối với tôi, Mẹ vừa là Mẹ cũng vừa là Ba. Công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ cũng như trời biển. “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần.”. Giờ ngồi đây nghe lại bài hát Mừng tuổi mẹ, lòng tôi như chợt thắt lại. Nhìn Mẹ sức khỏe ngày càng giảm sút mà mắt tôi nhòe đi. “Mẹ ơi! Chỉ mong Mẹ sống đời với con để con báo đáp công ơn này. Chỉ mong mỗi ngày chở Mẹ đi tập thể dục và nhìn thấy Mẹ tươi cười bên chúng con là con mãn nguyện lắm rồi.” Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, tôi cũng xin gửi lời chúc chân thành và sâu sắc đến toàn thể chị em phụ nữ – những người mẹ hiện tại hay tương lai có một sức khỏe tràn đầy, một tình yêu thương vô bờ bến và một hạnh phúc vẹn toàn để mang đến cho cuộc đời này một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của một người mẹ
Karson Dang