“Thương lắm tóc dài ơi”

Tôi có một người chị họ hơn tôi 4 tuổi năm nay chị khoảng 35 tuổi, chị ở cùng gia đình chúng tôi từ bé do mẹ chị mất, bố chị đi thêm bước nữa, chị trở thành người thừa trong gia đình của chính chị. Rồi một ngày dượng ba (bố chị) dẫn chị đến nhà tôi trong buổi chiều mưa xối xả. Chị ngồi lặng lẽ, khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc. Mặc trời mưa xối xả chị vẫn chạy ra đầu ngõ nhìn theo bóng cha chị dần khuất xa. Bố mẹ tôi nhận nuôi chị vì chị ngoan và tôi cần có người trông nom để bố mẹ tôi đi làm. Hồi ấy còn bé tôi cũng không hiểu rõ lắm sao chị lại ít nói, không đùa nghịch như như tôi, lúc nào chị cũng buồn, cuối chiều nào chị cũng ngồi lặng lẽ nhìn xa xa cuối con đường. Bố chị cứ vài tuần đến thăm chị một lần, rồi cả năm mới đến thăm chị một lần và lâu lắm tôi không thấy dượng qua nữa. Bố mẹ tôi yêu quý chị coi chị như con nhưng tôi cảm nhận được khoảng cách của chị đối với gia đình tôi. Chị chiều chuộng, chăm sóc tôi rất tốt, coi sóc nhà cửa, làm hết công việc nội trợ để bố mẹ tôi yên tâm công tác.

Năm chị học lớp 11 gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, bố mẹ tôi bị lừa một khoản tiền lớn. Chị biết, chị tự nghỉ học xin đi làm công nhân cho một xưởng gia công mỹ nghệ gần nhà. Bố mẹ tôi không đồng ý nhưng chị thuyết phục rằng chị không có khả năng đỗ Đại học. Tiền học của tôi trong những năm sau đó đến hết thời Đại học chị lo hết bằng đồng lương công nhân ít ỏi của mình. Chị ít bạn bè và nhút nhát, không sắm sửa quần áo, không trang điểm lòe loẹt như những cô bạn đồng trang lứa khi bước vào tuổi “cập kê”. Rồi tôi ra trường, đi làm, chị yên tâm bước sang ngang theo chồng.

Gia đình chồng chị ở ruộng, còn cổ hủ lạc hậu, chồng chị cũng chăm chỉ siêng năng nhưng vướng vào bệnh cờ bạc không nghe lời chị khuyên răn. Không quen với công việc đồng áng thức dậy từ lúc 3 giờ sáng dưới cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông , lại thiếu ngủ, chị gầy đi cả chục ký, mắt hõm sâu. Gia đình tôi nhìn chị xót xa, chị vẫn cười hạnh phúc va an ủi bố mẹ tôi rằng chị thấy cuộc sống rất ổn. Rồi chị có đứa con gái đầu lòng nhưng không may là cháu bị dị tật mất nửa bàn chân trái. Gia đình chồng chị bu vào đổ lỗi cho chị không biết đẻ, không có phước, chồng chị vì thế cũng lạnh nhạt với chị, anh ta đi đánh bạc cả đêm để chị vò võ ở nhà ôm con khóc thầm. Chị gầy, gầy lắm, ánh mắt chị u buồn, và lạc lõng như ngày đầu tiên chị đến nhà tôi ở. Chị chịu đựng những lời nói bóng gió của nhà chồng, chịu đựng ông chồng bỏ chị đi biền biệt chỉ về nhà khi hết tiền trong túi. Chị làm việc nhiều hơn, dậy sớm hơn để ra ruộng hái rau mang ra chợ đầu mối đổ buôn, chị về khi con chị vừa thức dậy, chị cho nó ăn và ôm con đến xưởng mỹ nghệ làm thêm. Bố mẹ tôi xót chị khuyên chị bỏ anh chồng về ở với bố mẹ tôi. Chị lại cười và nói cuộc sống chị vẫn ổn, chị nói không muốn con chị lớn lên không đủ cha mẹ như chị.  Bố mẹ tôi im lặng không nói nữa vì biết những gì chị cần gia đình tôi không thể cho chị trọn vẹn.

Tôi thương chị, khâm phục sự chịu đựng của chị, sự hi sinh cho con chị, hi sinh cho gia đình tôi và đặc biệt là cho tôi – đứa em không cùng bố mẹ sinh ra. Nhưng tôi luôn muốn chị hãy nghĩ đến bản thân, hãy sống vì bản thân, biết phản kháng lại những điều bất công dành cho chị. Tôi luôn mơ ước chị được hưởng hạnh phúc trọn vẹn một lần, muốn nhìn thấy nụ cười rực rỡ như nắng mai của chị.

Bài hát “Thương lắm tóc dài ơi” ngày nào chị thích nghe giờ vẫn vang lên dai dẳng khôn nguôi

“Thương lắm thương lắm tóc dài ơi
một đời long đong long đong thân cò lặn lội
Thương lắm thương lắm tóc dài ơi
một mình lênh đênh dòng đời đục trong”

Lại Phúc – Phòng truyền thông HungHau Holdings

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.