Tình yêu của Má

Vậy là má đã ra đi… Má đi gần 1 tháng rồi đó.

Sẽ chẳng bao giờ còn thấy bóng dáng nhỏ thó của má trong vườn mít, tay đỡ vành nón lá, tay chạm vào từng trái mít, xem chúng chín chưa, để rồi gửi lên thành phố cho mấy đứa nhỏ ăn. “Mấy đứa nhỏ ” của má toàn là ba, bốn chục tuổi rồi, mà sao má cứ thấy nhỏ hoài. Vườn mít mấy chục gốc, má biết rõ từng cây, cây cho múi nhỏ, múi ráo, ngọt như mật, cây cho múi dày cơm, múi to nhưng không ngọt …Má cũng thương tụi nó như con của má vậy. Một mình má sống giữa khu vườn mênh mông, “chăm cho mấy chục gốc mít với sáu con bò cũng làm má bận rộn tay chân suốt ngày, có còn thời giờ đâu mà buồn nữa ”. Má thường nói vậy mỗi khi con gái “ rủ rê ” má lên thành phố sống với con cháu cho vui. Nói vậy thôi, chứ cũng có lúc má buột miệng: “Lên đó hết thì để ba bay với mấy chú ở dưới này cho ai ?…”. Vậy đó, tụi nhỏ làm sao hiểu hết cái tình của má !

Mười bảy tuổi, má về mảnh đất Đức Hòa này, làm dâu nhà họ Võ, thì chỉ có hai năm đầu tiên má được làm vợ, vậy mà năm mươi năm sau đó má vẫn chu toàn với bổn phận làm dâu, làm dâu của một gia đình mà trong 5 người con trai thì có đến 4 người là liệt sĩ. Mẹ chồng cũng mất, nhà chỉ còn má làm chỗ dựa cho ông nội và đứa con gái bé nhỏ mới lẫm chẫm biết đi. Ôi, con không hiểu từ đâu má có được sức mạnh đến vậy, tình yêu nào đã níu chân má ở lại mảnh đất đầy bom đạn này chừng ấy năm ! Con gái má lớn lên, ra huyện, rồi lên thành phố, rồi du học, đi bao nhiêu nước, tốt nghiệp thạc sĩ, rồi tiến sĩ, nghiên cứu tâm lý học, xã hội học, mà không lý giải và đặt tên cho tình yêu của má được.

Uhm, chuyện gì má cũng nghe theo lời ông nội, nhưng riêng chuyện dạy con gái thì má đã làm trái lời ông. Ngày ấy, những năm đầu tiên sau giải phóng, ông nội thấy cháu gái cứ chong đèn dầu học tới khuya, ngủ gà ngủ gật thì bảo: “Con không cần học bài chi cho mệt, con muốn mấy điểm, nội ra nói với nhà trường là con được thôi, mình là gia đình liệt sĩ mà ”. Con gái cũng muốn ngủ lắm, nhưng má nhất định không cho lên giường nếu chưa thuộc bài. Má ngồi bên cạnh may vá, chờ con học xong rồi cùng đi ngủ. Sau này, con gái cứ tự hỏi, nếu lúc ấy má không kiên quyết như vậy, thì bây giờ mình sẽ là người thế nào nhỉ ( ? )

Con gái má lấy chồng, có con, rồi cũng đưa con vào trường đại học. Chợt nhớ cái ngày má tất tưởi bắt xe đò từ quê lên thành phố, tìm được cái trường Đại học Sư phạm đã khó, tìm ký túc xá của con còn khó hơn. Má đi loanh quanh, hỏi hết người này người khác, ai nhìn má cũng tròn mắt ngạc nhiên, vì thấy má cắp nách chiếc gối ôm to đùng. Rồi người ta cũng hiểu, má vội vàng như vậy vì “con nhỏ mà thiếu cái gối ôm là nó không ngủ được đâu”. Gặp má, nhìn đám bạn cười tủm tỉm, con gái thoáng chút bối rối, nhưng rồi cảm thấy thật tự hào. “Má của mình đó.”, lần đầu tiên khoe má với bạn, cũng là lần đầu tiên con gái cảm thấy có lỗi với má. Có lẽ cái suy nghĩ má của mình đã khiến hồi nhỏ, con luôn tìm cách tháo sên, đâm lủng bánh xe của những người đàn ông tìm đến gặp má. Để rồi khi bắt đầu biết tung cánh bay xa, con mới ngỡ ngàng thấy má đứng một mình nhìn theo… Hiểu được suy nghĩ của con, má tìm cách làm con yên lòng : “Công tác Đảng, công tác Hội phụ nữ dạo này nhiều lắm, má bận rộn suốt ngày, nhưng gặp gỡ chị em cũng vui, nhất là khi mình giúp được cho gia đình người ta… ”

Giờ đây, má đã yên nghỉ trong lòng đất quê hương, nằm bên ba, bên những người thân yêu, những đồng chí của mình. Hàng năm, cứ đến ngày 8.3 thì má lại được tặng một bó hoa hồng thật to từ con gái, kèm theo là câu “Coi như con thay ba tặng tình yêu cho má đó nha ”. Năm nay, con cũng sẽ đặt lên mộ má một bó hoa, nhưng vẫn chưa biết chọn hoa gì để tặng cho má đây, vì nhìn lại, mới thấy hoa hồng vẫn chưa đủ để làm biểu tượng cho tình yêu của má được./.

TPHCM, 5/3/2016

Kính dâng hương hồn má Lê Thị Tiếng,

thân mẫu của cô Võ Thị Kim Sa

(từ trần ngày 15/02/2016)

Nguyễn Thị Xuân Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.