“Đội bảo vệ tóc dài”

Nhà báo – một nghề khá đặc biệt bởi sự tò mò thái quá và thắc mắc về mọi việc cho dù không liên quan đến mình mà tôi lỡ bước chân vào. Chưa bỏ được thói quen nghề nghiệp đó khi sang làm việc tại HungHau Holdings, tôi đã chú ý đến  “đội bảo vệ tóc dài” trên U50 tại trụ sở 613 Âu Cơ.

Với nghề nghiệp đặc thù tôi thường “chai mặt” ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân. Tôi thấy bảo vệ của tất cả các đơn vị đều là những nam thanh nữ tú, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, biết một chút về nghiệp vụ võ vẽ và “mặt lạnh như tiền”. Bảo vệ của HungHau Holdings là những cô đã trên 50 tuổi,  khuôn mặt nhân hậu, luôn nở nụ cười thân thiện. Điều này làm tôi thấy tò mò, một doanh nghiệp lớn, cơ sở vật chất hạ tầng hoành tráng sao lại giao phó cho những “bà già” như vậy? Và tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết được rằng các cô đã gắn bó với nơi đây gần 50 năm, cống hiến cả tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho nơi này, hàng ngày âm thầm, lặng lẽ cống hiến sức khỏe, tuổi trẻ để bảo vệ tài sản cho công ty, bảo vệ sự yên bình cho nơi đây để chúng tôi yên tâm đến làm việc.

“Đội bảo vệ tóc dài” gồm các cô Đồng Ngọc Vĩnh (1954), Tô Bích Hoàng (1954), Lư Khiết Hiền (1955); Lê Thị Liễu (1953), Hoàng Thị Tâm (1966) Trong năm người thì có cô Liễu là có gia đình còn lại các cô đều không lập gia đình riêng. Các cô cho biết, thời kỳ sau chiến tranh là thời kỳ khó khăn nhất của cả nước. Nhà ai cũng có đông con cái, các cô – những người chị trong gia đình đã hi sinh hạnh phúc cá nhân, hi sinh tuổi thanh xuân để làm việc phụ giúp cho cha mẹ, nuôi đàn em thơ trưởng thành. Các cô cứ tần tảo làm việc, cứ lặng lẽ hi sinh và cứ thế quên đi những hạnh phúc bình thường của người phụ nữ, từ chối cả những thiên chức cao quý do tạo hóa ban tặng chỉ để cho những đứa em thơ được cắp sách tới trường, được mặc những chiếc áo mới, được ăn những bữa cơm độn ít  bo bo…

Trong các cô ấy tôi đặc biết chú ý đến cô Vĩnh, người có thâm niên làm việc lâu năm nhất tại công ty. Cô Vĩnh kể cho tôi về gia đình nghèo có 10 anh chị em của cô. Cô là thứ  6, sau cô có thêm 4 đứa em nheo nhóc, đứa út kém cô gần 20 tuổi. Các anh chị cô đã có gia đình riêng hoặc đi làm xa, cô lúc đó như là chị cả của 5 đứa em nhỏ. Hàng ngày phải làm công việc nhà và lo cho 4 đứa em nhỏ ăn học để cha mẹ đi làm. Khi trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, cô được nhiều chàng trai để ý, nhưng cô chưa thể dành thời gian nghĩ đến thứ tình cảm lãng mạn đó để chuyên tâm vào công việc và chăm sóc các em. Cả thời thiếu nữ cô chỉ biết tiết kiệm dành dụm từng đồng từ khoản tiền lương bảo vệ ít ỏi. Chưa bao giờ cô dùng đồng tiền làm ra từ mồ hôi, nước mắt của mình sửa soạn cho bản thân. Mỗi tháng đến kỳ lĩnh lương cô đều nghĩ đến mua chiếc áo mới cho mẹ, mua cái cặp sách mới cho út hay  mua thêm con gà, con vịt để tăng gia sản xuất, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Tuổi xuân của cô cứ trôi qua như vậy, các em cô từng ngày trưởng thành như vậy, các chàng trai theo đuổi cô ngày càng thưa dần như vậy và cô cũng quên dần mơ ước giản dị của người phụ nữ, quên dần thiên chức làm vợ,  làm mẹ như vậy.

Giờ đây khi cô đã thay cha mẹ hoàn thành nhiệm vụ, các em cô đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Còn cô vẫn trong trang phục bảo vệ như  50 năm về trước và coi người bạn đời là cánh cổng sắt lạnh lẽo nơi cô gắn bó gần 50 năm. Niềm vui của cô bây giờ là hàng ngày được làm việc, được lên công ty gặp những khuôn mặt quen thuộc, được nở nụ cười chào những vị khách mới, những ngày nghỉ được đi thăm gia đình mấy đứa em và chơi cùng mấy đứa cháu.  Cuộc sông của cô giờ này bình yên và phẳng lặng như mặt nước thu, đây cũng có thể là sự bù đắp cho những sóng gió trước kia cô đã trải qua. Tôi hỏi cô có hối hận khi hi sinh quá nhiều vì gia đình không? Cô trả lời không một chút suy nghĩ “Cô chưa bao giờ từng hối hận vì cô yêu cha mẹ, yêu các các anh chị em của cô, họ hạnh phúc thì cô cũng hạnh phúc, họ cũng đã cho cô quá nhiều tình yêu thương, nhờ có họ cô có một gia đình hạnh phúc, có một quá khứ đáng trân trọng và một cõi bình yên trong tâm hồn.”

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến lời bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến sao thấy giống các cô đến vậy!

“Người con gái lưng ong có bao chàng thầm mong theo
Mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi
Chị thương hai đứa em với mẹ già con đau ới a
Chị chưa muốn lấy chồng.
Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi không còn thơ ngây
Chị lại lo các em chuyện chồng con
Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a
Chị vẫn chưa có chồng.”

Lại Thị Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.