Bản tin pháp luật số 5

  1. Lĩnh vực tài chính – ngân hàng:

Ngân hàng giải ngân vốn vay bằng tiền mặt trong 2 trường hợp:

Ngày 29/12/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Thông tư này quy định tổ chức tín dụng cho vay được quyết định phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong 02 trường hợp, gồm: Khách hàng thanh toán cho bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán; Khách hàng là bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh được tổ chức tín dụng cho vay…

Để được giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Cũng theo Thông tư, trong 02 trường hợp sau tổ chức tín dụng được tự xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, bao gồm: Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay có giá trị không quá 100 triệu đồng; Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ chức sử dụng vốn Nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/04/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 21/2017/TT-NHNN tại đây

  1. Lĩnh vực thực phẩm:
  2. 10 trường hợp không cần xin cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các trường hợp sau không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận gồm:

–          Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

–          Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

–          Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

–          Sơ chế nhỏ lẻ;

–          Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

–          Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

–          Nhà hàng trong khách sạn;

–          Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

–          Kinh doanh thức ăn đường phố;

Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.

Các cơ sở trên phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

  1. Cơ sở kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Sản phẩm, nguyên  liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau phải đăng ký bản công bố sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực  phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực  phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Về việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong các sản phẩm thực phẩm, Nghị định này yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ được sử dụng phụ gia có trong Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm; Sử dụng phụ gia không vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép; đúng đối tượng thực phẩm; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; còn thời hạn sử dụng và đáp ứng đủ các yêu cầu đối với phụ gia thực phẩm.

Có thể xem chi tiết Nghị định 15/2018/NĐ-CP tại đây

  1. Lĩnh vực lao động – tiền lương:
  2. Điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH năm 2018

Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng

Công thức trên áp dụng đối với:

–          NLĐ tham gia BHXH từ 01/01/2016 trở đi theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hưởng BHXH 1 lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần từ 01/01/2018 đến 31/12/2018;

–          NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp 01 lần khi nghỉ hưu, BHXH 01 lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần từ 01/01/2018 đến 31/12/2018.

Ngoài ra:

Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần từ 01/01/2018 đến 31/12/2018 được điều chỉnh:

Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng

(Mức điều chỉnh của năm 2018 tại 02 trường hợp trên là 1,00)

Có thể xem chi tiết Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH tại đây

  1. Triển khai Thẻ Bảo hiểm y tế điện tử trong năm 2018

Ngày 31/01/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 384/BHXH-CSXH về việc triển khai các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Tại Công văn này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Trung tâm Công nghệ thông tin nghiên cứu, triển khai thực hiện thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế điện tử thay cho sổ và thẻ bảo hiểm y tế giấy trong năm 2018 như đúng tiến độ mà Chính phủ yêu cầu.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào quản lý, tạo điều kiện cho việc rút ngắn thời hạn thực hiện các thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tạo điều kiện cho việc loại bỏ các thành phần hồ sơ làm căn cứ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Năm 2018 cũng là năm bắt đầu mở rộng phạm vi bảo hiểm xã hội bắt buộc đến người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến về quy định này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng quán triệt ưu tiên rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng từ đủ 01 – dưới 03 tháng.

Có thể xem chi tiết Công văn 384/BHXH-CSXH tại đây

  1. Lĩnh vực giáo dục:
  2. Trường trung cấp chuyên nghiệp không còn phải thực hiện công khai

Ngày 28/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (quy chế)

Theo đó, trường trung cấp chuyên nghiệp không còn thuộc đối tượng phải thực hiện công khai theo quy chế mới.

Bên cạnh đó, ngoài cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, quy chế mới bổ sung thêm các đối tượng phải thực hiện công khai gồm:

–          Cơ sở giáo dục chuyên biệt;

–          Trường phổ thông dân tộc nội trú;

–          Trường phổ thông dân tộc bán trú;

–          Trường cao đẳng sư phạm;

–          Trường trung cấp sư phạm.

Nội dung phải thực hiện công khai bao gồm:

–          Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế;

–          Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục;

–          Thu chi tài chính.

Có thể xem chi tiết Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT tại đây

  1. Thời gian đào tạo theo niên chế hệ vừa làm vừa học không quá 2 lần hệ chính quy

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH về quy định đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học (trừ ngành sư phạm).

Theo đó, thời gian khóa học đối với hệ vừa làm vừa học trình độ cao đẳng, trung cấp được quy định như sau:

–          Đào tạo theo niên chế thì tổng thời gian khóa đào tạo (từ khi khai giảng đến khi bế giảng) tối đa không quá 2 lần so với thời gian khóa đào tạo chính quy cùng ngành, nghề, trình độ theo quy định;

–          Đào tạo theo phương thức tích lũy mô – đun hoặc tín chỉ thì thời gian khóa học là thời gian người học tích lũy đủ số lượng mô – đun hoặc tín chỉ quy định trong chương trình đào tạo cùng ngành, nghề, trình độ.

Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/02/2018; các khóa đào tạo được tuyển sinh và khai giảng trước ngày này được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc khóa.

Có thể xem chi tiết Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH tại đây

  1. Lĩnh vực đất đai:
  2. Thu tiền sử dụng đất với diện tích tăng thêm do đo đạc lại

Đây là nội dung mới được bổ sung tại Thông tư 10/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất.

Cụ thể, việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được quy định như sau:

Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích tăng thêm mà hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích tăng thêm mà hộ gia đình, cá nhân đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cũng theo Thông tư này, trong trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định do lỗi của cơ quan Nhà nước thì tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận cũ. Trường hợp do lỗi của người sử dụng đất, tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận mới.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/03/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 10/2018/TT-BTC tại đây

  1. Tiền thuê đất xác định theo giá đất tại thời điểm gia hạn

Thông tư 11/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/03/2018 quy định, khi được gia hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất thì tiền thuê đất được xác định theo chính sách và đất tại thời điểm được gia hạn.

Đối với người được Nhà nước cho thuê đất đang sử dụng nhà, đất tại công trình xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp thuộc sở hữu Nhà nước hoặc có phần diện tích thuộc quyền quản lý của Nhà nước mà không tách riêng được phần diện tích đất sử dụng cho từng đối tượng đang sử dụng, số tiền thuê đất phải nộp được phân bổ cho từng đối tượng sử dụng theo hệ số phân bổ nhân với diện tích sàn sử dụng của từng đối tượng và áp dụng từ ngày 01/07/2017.

Cũng theo Thông tư, nhà đầu tư đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng theo phương án được phê duyệt trước ngày 01/07/2004 và được Nhà nước cho thuê đất từ ngày 01/07/2004 trở về sau thì được trừ số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất theo phương án đã được phê duyệt hoặc giá trị quyền sử dụng đất theo mục đích đất nhận chuyển nhượng tại thời điểm tự thỏa thuận, tự nhận chuyển nhượng vào tiền thuê đất đã nộp và không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp.

Có thể xem chi tiết Thông tư 11/2018/TT-BTC tại đây

  1. Lĩnh vực đấu thầu – cạnh tranh:
  2. Dự thầu qua mạng, nhà thầu phải được ngân hàng bảo lãnh

Khi tham dự thầu qua mạng, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác phát hành. Việc bảo lãnh dự thầu có thể thực hiện qua mạng (đối với những ngân hàng, tổ chức tín dụng đã kết nối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia), hoặc nhà thầu scan thư bảo lãnh của ngân hàng, đính kèm khi nộp hồ sơ dự thầu và cam kết nộp bản gốc bảo lãnh dự thầu (với những ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa có kết nối đến Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia).

Ngoài ra, file do bên mời thầu, nhà thầu đăng tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải có định dạng word, excel, PDF, CAD, các định dạng ảnh, phông chữ thuộc bảng mã Unicode. Đồng thời, file không bị nhiễm virus, không bị lỗi, hỏng và không có mật khẩu.

Trên đây là nội dung quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT tại đây

 

  1. Thông tin về đấu thầu được cung cấp trong thời hạn 07 ngày:

Theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT, việc cung cấp các thông tin về đấu thầu như: Thông tin về dự án; kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Kết quả lựa chọn nhà thầu; Hợp đồng; Hủy thầu; Thông tin về nhà thầu nước ngoài trúng thầu từng dự án/ gói thầu… phải được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định hoặc văn bản phê duyệt, ban hành các thông tin đó.

Đối với các thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu, được cung cấp trong vòng 02 ngày làm việc từ ngày quyết định xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành. Riêng thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, thông báo hủy thầu, thông báo gia hạn, điều chỉnh, đính chính các thông tin đã đăng tải được thực hiện theo tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu và phải đảm bảo các quy định tương ứng liên quan về thời gian trong đấu thầu.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT tại đây

  1. Lĩnh vực chứng khoán:

Dữ liệu giao dịch chứng khoán điện tử phải được lưu trữ từ 10 năm

Thông tư 134/2017/TT-BTC ngày 19/12/2017, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018 quy định, các chứng từ, phiếu lệnh, dữ liệu điện tử và ghi âm các cuộc gọi đặt lệnh giao dịch chứng khoán của khách hàng phải được lưu trữ ít nhất 10 năm ở dạng nguyên bản.

Cũng theo Thông tư này, công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến phải trang bị máy chủ chuyên dùng, không sử dụng máy tính cá nhân làm máy chủ và không sử dụng chung với máy chủ của các đơn vị hoặc công ty khác.

Với công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến qua điện thoại, phải trang bị hệ thống tổng đài có chức năng ghi âm, quản lý, tra cứu cuộc gọi và có dự phòng; mọi cuôc gọi đặt lệnh của nhà đầu tư phải được ghi âm đầy đủ và phải đảm bảo an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu.

Có thể xem chi tiết Thông tư 134/2017/TT-BTC tại đây

  1. Lĩnh vực doanh nghiệp:

Năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp

Ngày 08/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2018.

Theo Nghị quyết này, Chính phủ xác định năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong quý I năm 2018, điều hành lãi suất phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay; giảm các loại phí, nhất là phí vận tải, phí logistics. Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương quyết toán các dự án BOT, đề xuất mức thu phí phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, chưa đề cập tăng thuế, giá, phí các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có giải pháp đồng bộ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, quản lý chặt chẽ giao dịch tiền điện tử. Bộ Tài chính chỉ đạo sát sao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đảm bảo hoạt động tốt, giảm bớt tác động xấu của thị trường chứng khoán thế giới và khu vực.

Đồng thời, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc cho phép thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời gian 02 năm, từ ngày 01/01/2018.

Có thể xem chi tiết Nghị quyết 13/NQ-CP tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.