Ngoại tôi

Khi đọc chủ đề của cuộc thi viết, tôi liền nghĩ ngay đến Ngoại và bắt tay suy nghĩ, lục lọi lại bộ nhớ những hình ảnh, câu chuyện về ngoại. Và tôi phải tìm hiểu thêm về phẩm chất “trung hậu” vì thật sự bản thân tôi không hiểu rõ ý nghĩa của hai từ “trung hậu” này. Và theo tìm hiểu thì ý nghĩa của phẩm chất “trung hậu” chính là trung thực, thẳng thắn, nhân ái, giàu lòng thương người, chỉ muốn đem lại những điều tốt lành cho người khác.

Nhưng với tôi thì phẩm chất “trung hậu” của Ngoại tôi chính là một lòng một dạ với một người chồng không lo được cho vợ con, suốt ngày say xỉn và có nhiều lần đánh Ngoại tôi nữa. Thế nhưng Ngoại tôi vẫn gồng gánh nuôi lớn bầy con 18 đứa lớn khôn.

Đây là chuyện nhà, có lẽ nhiều người sẽ giấu và không nói ra, chính bản thân tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Thế nhưng có vài lý do, vài câu chuyện phải nói ra thì mọi người mới hiểu về Ngoại tôi hy sinh nhiều như thế nào cho con cái của mình. Thế nhưng những câu chuyện viết ra đã cân chỉnh lại từ ngữ cho phù hợp, bởi vì những từ ngữ mà Ngoại dùng khi kể cho tôi nghe thì chỉ có người nhà nghe với nhau mới hóm hỉnh được thôi. Và đây là từ những câu chuyện Ngoại đã kể cho tôi và những câu chuyện tôi chứng kiến từ khi tôi biết nhận thức, hiểu về đạo lý làm người khi tôi đã được giáo dục và thấm nghiệm.

Ngoại tôi sinh năm 1923, năm nay Ngoại 93 tuổi rồi. Ngoại mất Ba, mất mẹ từ năm 11 tuổi. Từ đó Ngoại ở nhà  Bà Dì (Dì của Ngoại). Thế nhưng phải tự kiếm cái mà ăn, tự kiếm mà sống. Từ nhỏ việc gì cũng làm: gồng gánh bán buôn, làm việc nhà cho người khác, bán rượu, ai kêu gì làm đó nên cũng được người này người nọ thương, chỉ cho cái này, chỉ cho cái kia. Với trí thông minh và trí nhớ rất tài, dù không đủ tiền đi học, nhưng Ngoại hay đứng ngoài học lén. Dù cho đến bây giờ Ngoại tôi chỉ biết ký tên của mình thế nhưng Ngoại thuộc rất nhiều bài thơ, tự làm thơ và rất giỏi đối đáp. Cứ thế 7 năm bương chãi, học nghề, học lén nhờ sự thông minh và chịu khó, Ngoại tôi chăm sóc được cho Bà Dì và lo cho gia đình Bà Dì.

Rồi đến năm 18 tuổi, Ngoại nghe lời Bà Dì lấy Ông Ngoại tôi. Dù tôi thường Ông tôi, nhưng thật nhiều khi nghe Ngoại kể chuyện xong, tôi lại nhìn lên bàn thờ của Ông Ngoại mà thầm trách Ông. Lấy nhau, nếu tính ra Ngoại tôi đẻ được 22 đứa con, nhưng do không may nên 4 người mất non. Do hồi đó không có kế hoạch, người làm nông quan niệm nhiều con thì nhiều nhân lực, trời sinh cây sinh cỏ. Tôi thường chọc Ngoại, nói không thương Ông Ngoại mà mắn đẻ quá trời. Ngoại chửi tôi “thằng cha mày”. Rồi Ngoại lại kể, ngày xưa tiền không có mà ăn, thức ăn trước và sau khi đẻ của Ngoại tôi chỉ là hủ muối mè. Ngoại nói vậy là ngon lắm rồi. Rồi đẻ ra, lần lượt đứa lớn trông cho đứa nhỏ, Ngoại tôi thì buôn gánh bán bưng, còn Ông Ngoại thì chỉ say xỉn suốt ngày. Có 1 chiếc xe đạp Ông Ngoại tôi cũng có đi bán bánh mì. Thế nhưng ai xin là cho, xong rồi đi nhậu. Ngoại vừa kể tôi thấy Ngoại cũng cười. Rồi nói Ông Ngoại mày trong nhà thì vậy chứ ở ngoài ai kêu giúp gì mà giúp được là hết mình, xin gì mà thấy có là cho liền.

Còn Ngoại tôi, cứ thế nuôi bầy con, tuy ăn không no nhưng vẫn đủ bữa. Nhưng bữa ăn tất cả dành cho con. Nếu ai ở cái thời đó mới biết người dân khổ như thế nào. Ngoại kể hồi đó có nuôi gà để bán, thế nhưng không biết vì sao chết hết. Thế là ngoại đành làm thịt cho con cái ăn. Mấy đứa (Cậu, dì và mẹ tôi) nó về thấy một thau gà mừng quá trời, nhảy vào ăn, mà có lẻ không biết mẹ của mình đang xót trong lòng vì lỗ nguyên một đợt gà. Và xót xa hơn, khi những đứa con mình ăn, người mẹ nói “ăn xương gom vào mâm để cho chó ăn”. Thế nhưng ai biết được đằng sau đó là Ngoại tôi nhai lại. Nghe đến đây mà lòng tôi chợt xót xa lắm. Chỉ biết nắm tay Ngoại với những nếp nhăn, đồi mổi in hằn rất nhiều. Tôi luôn nhớ mãi câu chuyện này, chính câu chuyện này mà khi nào về thăm Ngoại có dịp là tôi mua vịt, mua gà cho Ngoại ăn, mua nhiều đồ ăn ngon hơn cho Ngoại.

Tôi còn nhớ một chuyện mà tôi vô cùng ngường mộ võ công của Ngoại tôi. Tôi nhớ khi đó nhà tôi mấy dì có tranh cãi với một người hàng xóm mà là nam nữa về chuyện gì đó. Nhưng khi thấy người hàng xóm đó xông vào tính đánh con của Ngoại. Ngoại tôi đã cầm một cục gạch ống, chọi một phát trúng ngay trán của người hàng xóm đó luôn, người hàng xóm đó không dám làm càn luôn. Nhìn cảnh tượng đó xong, tôi chợt thấy vừa hết hồn vừa thấy Ngoại thật siêu phàm, mắt ngoại sáng quá và nội công thâm hậu vì khoảng cách chọi tôi nhớ là rất xa. Cái này giống như câu chuyện Gà mẹ bảo vệ bầy gà con trước con quạ gê gớm vậy.

Tiếp tục lo cho bầy con, người lấy vợ, người lấy chồng, sinh con đẻ cái. Và tôi nghỉ đến tuổi này Ngoại đã có thể hưởng tuổi già. Thế nhưng đời mà không giống như chuyện cổ tích kết thúc có hậu, con cái cũng người này người nọ, nhiều chuyện chỉ có người trong nhà và đau hơn có lẽ là câu chuyện người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Và Ngoại khóc khi nhắc đến con cái, đến chuyện ngày xưa, những câu chuyện của Ngoại bắt đầu lặp đi lặp lại và Ngoại đã bắt đầu đãng trí, mắt mờ hơn. Cứ thế dù cuộc sống bấy giờ được con cái chăm sóc nhưng có lẽ cũng là khoảng thời gian của tuổi già.

Những năm gần đây Ngoại bắt đầu quên vài chuyện, những câu chuyện Ngoại hay kể đi kể lại cho tôi nghe đã quên dần vài tình tiết. Ngoại đã quên việc mình đang làm hay để một vật gì đâu đó. Ngoại bắt đầu lãng tai, và mắt không còn nhìn rõ nữa. Chuyện này có lẽ cũng là bình thường với độ tuổi 93 của Ngoại. Thế nhưng Ngoại biết mình bị như vậy, nhiều lần tôi thầy Ngoại rất tức vì không nhớ chuyện gì đó, Ngoại la lên, Ngoại bực, Ngoại dỗi và nhiều chuyện Ngoại cũng ứa nước mắt rồi. Nhìn thấy Ngoại như vậy tôi đau lắm, cảm giác rất khó chịu và muốn khóc lên thôi. Những câu chuyện giờ đây cứ kể rồi lại kể nữa trong cùng một lúc và muốn ai cũng phải nói to cho Ngoại nghe.

Ngày ngày ngồi trên chiếc võng, thấy con cháu về là cười nói, kêu nấu này nấu nọ ăn và rất thích đánh bài cắt-tê, mà chỉ đánh với người nhà thôi. Ngoại thương tôi lắm lúc nào cũng nhắc, cũng giấu đồ ăn cho tôi. Nấu món gì ngon mà biết tôi thích ăn là gọi tôi về ăn hay biết ngày đó tôi về là nấu cho tôi ăn. Bằng khen của tôi, hình ảnh của tôi Ngoại đều treo cất trong tủ kính và ai tới cũng khoe. Ngoại chỉ muốn con cái gia đình hạnh phúc, con cháu khỏe mạnh học giỏi và cứ về đánh bài với Ngoại là được.

Ngày nay, tôi bắt đầu tự lập, thời gian về thăm Ngoại ít hơn những khi còn cắp sách đến trường. Ngoại nhắc hoài, thế nhưng vẫn gọi cho Ngoại và trống một ngày là về liền. Từ rất nhỏ, tết tôi không cùng ba mẹ đón tết mà lúc nào cũng về dọn dẹp ăn tết với Ngoại. Và tôi chợt khó chịu khi nghe “ Còn được mấy năm”.

Đó là Ngoại tôi  – “Người phụ nữ trung hậu” với gia đình họ Nguyễn. Bây giờ Ngoại có hơn 100 đưa cháu, chắt, chút, chít. Ngoại không thấy rõ nữa – Ngoại không nhớ nhiều việc nữa – Ngoại không khỏe như trước nữa. Thế nhưng Ngoại vẫn thương con cháu, nghe đứa này bị này bị nọ là hỏi thăm, lo lắng. Ngoại vẫn thích con cháu vể chơi, bày đồ nấu ăn và Ngoại thích đánh bà cắt-tê.

Tôi bâu giờ chỉ nguyện cầu xin cho cái “tuổi già” đó của Ngoại đến chậm thôi. Để con cháu trong gia đình và tôi sẽ báo hiếu, phụng dưỡng, cho vài đứa con, cháu kịp nhận ra những lỗi đạo của mình mà kịp thành tâm nhận lỗi. Để con tôi, cháu tôi còn được nghe Bà cố kể chuyện thời xưa.

“Yêu Ngoại” – Lời mà con chưa bao giờ nói với Ngoại bằng lời, nhưng thâm tâm con mãi là như vậy. Ngoại của con.

Phạm Nguyễn Bạch Huệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *