- Lĩnh vực lao động
Khiếu nại của người lao động phải được giải quyết trong 30 ngày
Ngày 27/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2018/NĐ-CP giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.
Nghị định chỉ rõ, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý
Trong 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu thì có quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Cũng theo Nghị định này, người khiếu nại có quyền rút khiếu nại bất cứ lúc nào. Việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2018.
Có thể xem chi tiết Nghị định 24/2018/NĐ-CP tại đây
- Lĩnh vực du lịch
Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng
Ngày 31/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du Lịch.
Theo đó, Nghị định này quy định mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng, thay vì không phải ký quỹ như trước đây; Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng; Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch nước ngoài là 500 triệu đồng.
Khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏa của khách du lịch như: Bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi; Lặn dưới nước; lướt ván… thì phải có các biện pháp bảo đảm an toàn gồm: có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên qua; bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên có chuyên môn phù hợp…
Có loại hình cơ sở lưu trú du lịch gồm: Khách sạn, biệt thự du lích; căn hộ du lịch; tàu thủy lưu trú du lịch; nhà nghỉ du lịch; nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; bãi cắm trại du lịch. Trong đó, khách sạn phải có tối thiểu 10 buồng ngủ, có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Có thể xem chi tiết Nghị định 168/2017/NĐ-CP tại đây
- Lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Sử dụng bản ghi âm, ghi hình với mục đích thương mại phải trả tiền
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009.
Theo đó, việc sử dụng trực tiếp, gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong các hoạt động kinh doanh, thương mại như tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng không phải xin phép, nhưng phải trả nhuận bút, thù lao.
Tương tự, việc tổ chức phát sóng dùng chính bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để phát sóng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh, môi trường kỹ thuật số; Tiếp sóng, phát lại chương trình đã phát sóng cũng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.
Việc hưởng tiền thù lao của người biểu diễn trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định nêu trên tùy thuộc vào thỏa thuận của người biểu diễn với nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi thực hiện chương trình ghi âm, ghi hình.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định tin tức thời sự, văn bản hành chính không được bảo hộ quyền tác giả.
Tin tức thời sự không được bảo hộ quyền tác giả
Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan, có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.
Theo Nghị định này, đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tin tức thời sự thuần túy và các văn bản hành chính. Trong đó, tin tức thời sự là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo; Văn bản hành chính bao gồm các văn bản của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội… và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Cũng theo Nghị định này, trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình phải đáp ứng 02 điều kiện: Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình; Phần trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
Về nhuận bút, Nghị định quy định việc trả nhuận bút, thù lao phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng hưởng thụ; Mức nhuận bút được xác định căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất khai thác…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.
Có thể xem chi tiết Nghị định 22/2018/NĐ-CP tại đây
- Lĩnh vực kế toán:
Triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong năm 2018
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 05/03/2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng Nghị định về hóa đơn, chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn bộ nền kinh tế; Thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Bộ Tài chính phải chỉ đạo cơ quan thuế công khai trên Cổng thông tin điện tử danh sách xếp hạng chi tiết 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Khẩn trương xây dựng, trình các dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế, tháo gỡ ngay những vướng cho doanh nghiệp về thuế.
Đồng thời, đề xuất chính sách thu thuế và kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển từ hộ kinh doanh; Rà soát, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nhằm giảm cản trợ hoạt động của các doanh nghiệp kế toán.
Có thể xem chi tiết Chỉ thị 07/CT-TTg tại đây
- Lĩnh vực quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet
a. 4 quy định mới về tên miền
Tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Chính phủ quy định 4 điểm mới về tên miền.
Bao gồm:
– Tổ chức, doanh nghiệp không phải cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí.
– Trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
– Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng một tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng một tên miền.
– Tên miền phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng tại thời điểm đề nghị cấp phép và phải tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Đối với tên miền quốc tế phải có xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp.
Ngoài 4 quy định mới về tên miền, Nghị định này còn đề cập đến quy định mạng xã hội phải có máy chủ tại Việt Nam và phải gỡ bỏ nội dung vi phạm trong 3 giờ.
b. Mạng xã hội phải đặt máy chủ tại Việt Nam
Mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp phải đảm bảo có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin.
Riêng mạng xã hội phải lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải; có cơ chế để loại bỏ nội dung vi phạm trong 03 giờ.
Trang thông tin điện tử tổng hợp phải lưu trữ tối thiểu 90 ngày đối với nội dung thông tin tổng hợp kể từ thời điểm đăng tải; lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với nhật ký xử lý thông tin được đăng tải.
Mạng xã hội, thông tin điện tử tổng hợp phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin về hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam. Mạng xã hội, thông tin điện tử tổng hợp của cùng một tổ chức, doanh nghiệp thì không được sử dụng cùng một tên miền.
c. Mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung vi phạm trong 3 giờ
Mạng xã hội phải bảo đảm người sử dụng đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội; Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng. Mạng xã hội cũng phải có cơ chế loại bỏ nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ, từ khi phát hiện hoặc có yêu cầu.
Trang thông tin điện tử tổng hợp phải có quy trình để xác định phạm vi nguồn thông tin, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải; Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn. Tương tự như mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp cũng phải có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ, từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu.
Nghị định cũng chỉ rõ, trang thông tin điện tử và mạng xã hội phải có ít nhất 01 nhân sự chịu trách nhiệm nội dung thông tin là người Việt Nam hoặc nếu là người nước phải, phải có thẻ tạm trú còn thời hạn ít nhất 06 tháng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
Có thể xem chi tiết Nghị định 27/2018/NĐ-CP tại đây