CHUYÊN ĐỀ PHÁP LÝ SỐ 01
GIỚI THIỆU LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC SỬA ĐỔI 2018
Ngày 19/11/2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 (sau đây viết tắt tắt là “LGDĐH 2018”).
So với Luật Giáo dục đại học 2012, LGDĐH 2018 có những điểm mới cơ bản, ảnh hưởng đến việc tổ chức, vận hành của các Trường đại học tư thục như sau:
- Hội đồng trường sẽ thay thế cho vai trò của Hội đồng quản trị.
Theo quy định tại Điều 17 LGDĐH 2018, Hội đồng trường đại học tư thục là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan.
Số lượng thành viên của Hội đồng trường là số lẻ bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường đại học do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp.
- Thành viên trong trường đại học gồm: các thành viên đương nhiên là Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn, Đại diện BCH Đoàn thành niên là người học và Thành viên đại diện giảng viên và người lao động.
- Thành viên ngoài trường đại học do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động.
Như vậy so với thành viên HĐQT theo quy định của LGDĐH 2012, thành viên Hội đồng trường không có đại diện của cơ quan quản lý địa phương nơi trường đại học có trụ sở.
Chủ tịch Hội đồng trường (đại học tư thục) do Hội đồng trường bầu và được hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu trường đại học công nhận.
Quy định trên còn nhiều nội dung cần phải được hướng dẫn chi tiết như thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường, thủ tục, thành phần tham dự hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường… Chính phủ sẽ phải có văn bản để hướng dẫn các nội dung trên.
- Quy định mới về Hiệu trưởng
Nếu như trước đây, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường đại học được quy định là 05 năm, thì Luật mới quy định nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng trường.
Theo quy định của LGDĐH 2012, Hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật của Trường đại học. Tuy nhiên, theo LGDĐH 2018, đại diện theo pháp luật của Trường đại học có thể là Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng trường.
Bên cạnh đó, thay vì quy định hiệu trưởng phải đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của trường ít nhất 05 năm, thì nay, Luật mới cũng đã bỏ quy định này. Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu phải có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học.
Ngoài ra, Luật mới vẫn giữ nguyên yêu cầu về việc hiệu trưởng trường đại học phải có trình độ tiến sĩ trở lên.
Theo quy định LGDĐH 2018, Hiệu trưởng (trường đại học tư thục) là thành viên đương nhiên của Hội đồng trường. Tuy nhiên, Hiệu trưởng lại do Hội đồng trường bổ nhiệm. Điều này cần phải được hướng dẫn cụ thể vì các quy định này mâu thuẫn với nhau.
- Trường đại học được tự chủ quyết định về tài chính, tuyển sinh, nhân sự, mở ngành, chương trình đào tao
Đây là điểm khác biệt lớn nhất của LGDĐH 2018. Theo đó, LGDĐH 2018 quy định nhiều điểm mới về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản…
Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Quyền tự chủ về tài chính được thể hiện ở các nội dung: chính sách học phí, học bổng cho sinh viên; quản lý và sử dụng các nguồn tài chính; thu hút các nguồn vốn đầu tư và phát triển…
Luật GDĐH 2018 còn quy định các trường đại học được tự chủ trong lĩnh vực tổ chức và nhân sự, bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học phải đáp ứng một số điều kiện như: Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên có việc làm…
Quyền tự chủ của trường đại học được luật ban hành rất chung và cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành.
- Không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo
LGDĐH 2018 quy định văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.
Trong khi đó, trước đây Luật năm 2012 quy định văn bằng được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo tương ứng.
- Trường phải công khai mức học phí cả khóa học trên trang web
Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho trường đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
LGDĐH 2018 yêu cầu các trường phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường.
Đồng thời, các trường phải có trách nhiệm trích một phần nguồn học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Các trường đại học tư thục cũng được quyền tự quyết định mức học phí.
- Không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành đào tạo của các trường đại học. Theo đó, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, các trường phải đánh giá chất lượng của chương trình đào tạo; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định.
Trường hợp không đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, các trường phải cải tiến, nâng cao chất lượng để đảm bảo chuẩn đầu ra; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Trường đại học phải tổ chức kiểm định chương trình theo chu kỳ kiểm định. Sau 02 năm, kể từ ngày giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đào tạo hết hạn hoặc từ ngày có kết quả kiểm định không đạt yêu cầu, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kết quả kiểm định lại vẫn không đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục đại học phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó và có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người học.
Đáng chú ý, các trường tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 05 năm.
- Quy định mới về giảng viên
Theo LGDĐH 2018, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giải dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm chức danh giảng viên. Trường đại học được quyền bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động, quy định về vị trí, việc làm và nhu cầu sử dụng của trường đại học.
Quyền và trách nhiệm của giảng viên cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ, bảo đảm bình đẳng giữa giảng viên ở cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập về cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… tạo điều kiện để giảng viên tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ quan, tổ chức khác khác theo quy định của pháp luật.
- Nhà đầu tư được thành lập trường đại học theo 2 phương thức
LGDĐH 2018 bổ sung một điều mới về nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư thành lập trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Nhà đầu tư thành lập trường đại học có thể lựa chọn một trong hai phương thức:
– Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế để tổ chức này thành lập trường đại học tư thục;
– Trực tiếp thành lập trường đại học tư thục.
Theo quy định của LGDĐH 2018, nhà đầu tư có trách nhiệm (hoặc quyền hạn – luật không phân định rõ đây là trách nhiệm hay quyền) thành lập Ban Kiểm soát theo quy định của Luật Doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý điều hành của hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…
Chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 tại đây