- Lĩnh vực tài chính – kế toán
a. 10 nội dung có trên hóa đơn điện tử
Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn điện tử có các nội dung như sau:
“1. Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn;
- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế);
- Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hóa đơn giá trị gia tăng;
- Tổng số tiền thanh toán;
- Chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán;
- Chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua (nếu có);
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử;
- Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
- Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và nội dung khác liên quan (nếu có).”
Tuy nhiên, cũng theo Nghị định này, có những trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung trên. Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về điều này.
b. Quy định về thời điểm lập hóa đơn điện tử
Nội dung này được Chính phủ quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Thời điểm lập hóa đơn điện tử:
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền;
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền;
- Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.
Có thể xem chi tiết Nghị định 119/2018/NĐ-CP tại đây.
- Lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn
Sắp ban hành chính sách tín dụng khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Trong quý IV/2018, Thủ tướng giao Hội đồng nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương triển khai các nhiệm vụ sau:
- Rà soát, ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương trong đó quy định chính sách tín dụng tại địa phương;
- Cụ thể hóa quy định mức hỗ trợ với từng loại hạng mục, công trình phù hợp với các mức hỗ trợ theo quy định;
- Ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh làm cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp theo chính sách đặc thù của địa phương (5 sản phẩm);…
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tới quý I/2019, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện việc rà soát, điều chỉnh giảm 50% các thủ tục hành chính hiện có trong lĩnh vực được giao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn.
Kế hoạch nêu trên được ban hành kèm theo Quyết định 1203/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 18/09/2018.
Có thể xem chi tiết Quyết định 1203/QĐ-TTg tại đây.
- Lĩnh vực lao động – tiền lương
Doanh nghiệp dưới 10 lao động được miễn gửi thang, bảng lương
Đây là một trong hai nội dung mới của Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Cụ thể, Nghị định này quy định doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Điểm mới còn lại của Nghị định là bổ sung quy định xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại Điều 8.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.
Có thể xem chi tiết Nghị định 121/2018/NĐ-CP tại đây.
- Lĩnh vực giáo dục
Giáo sư phải có ít nhất 3 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế
Ngày 31/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 37/2018/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Theo Quyết định này, ngoài một số tiêu chuẩn chung, ứng viên chức danh giáo sư còn phải đáp ứng một số tiêu chí như:
- Đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư từ đủ 03 năm trở lên;
- Đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên hoặc nhiệm vụ khoa học, công nghệ phù hợp với ngành, chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư;
- Là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín; Từ năm 2020, ứng viên chức danh giáo sư phải có ít nhất 05 bài báo khoa học;
- Chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư;
- Chủ trì thực hiện ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;
- Hướng dẫn chính ít nhất 02 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ theo quy định…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Có thể xem chi tiết Quyết định 37/2018/QĐ-TTg tại đây.
- Lĩnh vực thể thao
Điều kiện xét thăng hạng đặc cách với HLV thể thao
Nội dung này nằm trong Thông tư 23/2018/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.
Thông tư nêu rõ, viên chức ngành thể dục thể thao đang giữ chức danh huấn luyện viên chính, là huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế sẽ được đăng ký xét thăng hạng lên huấn luyện viên cao cấp mà không phải thi thăng hạng.
Thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế bao gồm: Huy chương vàng, bạc, đồng tại các Đại hội Olympic, Paralympic và Huy chương vàng tại giải vô địch thế giới, cúp thế giới của các môn thể thao Oympic; Huy chương vàng tại ASIAD; Huy chương vàng tại Đại học Olympic trẻ.
Việc xét thăng hạng đặc cách được thực hiện thông qua Hội đồng xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp.
Thông tư này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành ngày 21/08/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2018.
Có thể xem chi tiết Thông tư 23/2018/TT-BVHTTDL tại đây.