Bản tin pháp luật số 2

  1. Thủ tướng chấn chỉnh việc quản lý đất đai

Ngày 03/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh việc quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp, bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và nâng cao tính khả thi; Rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch hàng năm mà đã quá 03 năm nhưng chưa thực hiện, để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đát cụ thể, bảo đảm chất lượng và thời gian yêu cầu; thực hiện đúng quy định đối với các trường hợp phải đấu giá đất, nhất là những khu đất “vàng”, chống thất thu ngân sách Nhà nước, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền.

Các địa phương phải bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…

Có thể xem chi tiết Chỉ thị số 01/CT-TTg tại đây.

2.      Quy định mới về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Ngày 27/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi trong thành phần hồ sơ và nội dung của các mẫu đơn, tờ khai trong thời gian tới. Cụ thể:

– Về thành phần hồ sơ: Bãi bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao thẻ CCCD, giấy CMND, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp pháp khác” khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.

– Về mẫu đơn, tờ khai:

  • Thay thế quy định về “địa chỉ thường trú, quốc tịch, số thẻ CCCD, giấy CMND, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác” thành “số định danh cá nhân” trong nội dung Giấy đề nghị và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Thay thế thông tin về công dân và Căn cước công dân trong các mẫu văn bản, đơn, tờ khai… để đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng thông tin: “họ, chữ đệm và tên khai sinh; số định danh cá nhân”.

Có thể xem chi tiết Nghị quyết 136/NQ-CP tại đây.

  1. Những quy định mới tác động lớn đến nghề kế toán từ năm 2018
  • Điều kiện thi lấy chứng chỉ kế toán viên

Thông tư 91/2017/TT-BTC (sau đây gọi gọn là Thông tư 91) quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ 15/10/2017.

Theo đó, phần điều kiện dự thi lấy chứng chỉ đã rút ngắn yêu cầu thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu xuống còn 36 tháng (quy định tại Thông tư 129/2012/TT-BTC là 60 tháng).

Ngoài ra, Thông tư 91 cũng đưa ra ví dụ rõ hơn về trường hợp bảo lưu kết quả thi:

Ví dụ: Một người bắt đầu dự thi năm 2017 thì điểm các môn thi đạt yêu cầu của năm 2017 sẽ được bảo lưu trong các năm 2018, 2019.

Đến năm 2019, nếu người dự thi vẫn chưa đạt yêu cầu thi thì khi dự thi vào năm 2020 kết quả thi được tính để xét đạt yêu cầu thi sẽ là kết quả thi của các năm 2018, 2019, 2020; tương tự như vậy cho các năm từ 2021 trở đi.

Có thể xem chi tiết Thông tư 91/2017/TT-BTC tại đây.

  • Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp thay thế quy định cũ tại Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006.

Theo đó, Thông tư 107 hướng dẫn cụ thể về chứng từ, tài khoản, sổ kế toán; báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính.

Ngoài ra, ban hành kèm theo Thông tư là:

– Danh mục biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán bắt buộc;

– Danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán;

– Danh mục mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán;

– Danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị tại Điều 2 của Thông tư này.

Thông tư 107/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 24/11/2017 và chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Có thể xem chi tiết Thông tư 107/2017/TT-BTC tại đây.

  • Dự thảo quy định về Hóa đơn điện tử

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 51.

Theo đó, nổi bật là các quy định sau:

–  Bán hàng dưới 200.000 đồng mỗi lần cũng phải lập hóa đơn:

Đây là điểm khác biệt của hóa đơn điện tử so với hóa đơn giấy; cụ thể: Khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn giấy, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn và trừ trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử.

Nhiều đối tượng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử; đơn cử như:

   + Doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP.

   + Doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

   + Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng…

4.      Quy định về hình thức đào tạo vừa làm vừa học

Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 28/12/2017.

Thông tư nêu rõ, chương trình, giáo trình đào tạo vừa làm vừa học là chương trình, giáo trình đào tạo của ngành, nghề tương ứng theo hình thức đào tạo chính quy được cơ sở dạy nghề điều chỉnh cho phù hợp với năng lực người học và thời gian đào tạo. Riêng những môn như Giáo dục thể chất, Giáo dục An ninh Quốc phòng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng người học và do người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định.

Nếu tổ chức đào tạo vừa làm vừa học theo hình thức niên chế, tổng thời gian khóa đào tạo tối đa không quá 02 lần so với thời gian đào tạo chính quy; nếu đào tạo theo hình thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ thì thời gian khóa học là thời gian người học tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ theo quy định.

Thời gian tổ chức giảng dạy được thực hiện linh hoạt (sáng, chiều, tối vào các ngày làm việc trong tuần hoặc cuối tuần) theo nhu cầu người học nhưng phải đảm bảo được yêu cầu về nội dung của chương trình đào tạo.

Thông tư này khuyến khích các cơ sở dạy nghề thu hút người có tay nghề cao tham gia giảng dạy thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc học tập của người học. Khuyến khích tổ chức cho người học học lý thuyết tại trường và học thực hành hoặc học tích hợp lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp.

Thông 31/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/02/2018.

Xem chi tiết Thông 31/2017/TT-BLĐTBXH tại đây.

5.      Quy định mới về chế độ thai sản năm 2018

Từ ngày 01/7/2018, sẽ tăng mức hưởng đối với một số chế độ thai sản dành cho lao động nữ có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể như sau:

  1. Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
Mức hưởng hiện hành
Mức hưởng kể từ ngày 01/7/2018
390.000 đồng/ngày
417.000 đồng/ngày
  1. Tăng trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Mức hưởng hiện hành
Mức hưởng kể từ ngày 01/7/2018
2.600.000 đồng
2.780.000 đồng/ngày

Việc tăng này nhằm phù hợp với chính sách tăng lương cơ sở từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2018.

Nội dung nêu trên được căn cứ vào các quy định pháp luật sau đây:

– Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 49/2017/QH14ngày 13/11/2014 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

– Khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2017/NĐ-CPngày 24/04/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, có hiệu lực từ ngày 01/07/2017.

– Khoản 2 Điều 29 và Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Có thể xem chi tiết Nghị quyết 49/2017/QH14 tại đây.

Chi tiết nghị định 47/2017/NĐ-CP tại đây.

Link chi tiết Luật bảo hiểm xã hội 2014 tại đây.

  1. Hướng dẫn khai tờ khai hải quan điện tử tại cảng biển TP.HCM

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 2722/QĐ-BTC năm 2017 về việc áp dụng thí điểm quán lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại biển, càng hàng không dân dụng quốc tế.

Theo đó, từ ngày 02/01/2018 tất cả tờ khai hải quan có cửa khẩu xuất hoặc cửa khẩu nhập tại cảng biển do Cục Hải quan TP.HCM, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý được khai như sau:

Doanh nghiệp thực hiện khai theo quy định tại Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC; riêng tiêu chí “Số vận đơn” thì:

– Đối với tờ khai hải quan nhập khẩu: sử dụng tổ hợp “Ngày vận đơn + Số vận đơn” để khai theo nguyên tắc khai liên tiếp nhau và thông tin không được có dấu cách hay ký tự đặc biệt;

– Đối với tờ khai hải quan xuất khẩu:

      + Trước khi đưa hàng vào cảng, kho, bãi, đại điểm hoặc tại thời điểm đăng ký tờ khai: người khai lấy số quản lý hàng hóa xuất khẩu cho lô hàng tại hệ thống khai hải quan hoặc Hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

      + Sau đó, người khai sử dụng số quản lý hàng hóa được cấp khai vào tiêu chí “Số vận đơn” trên tờ khai.

Quyết định 2722/QĐ-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/01/2018.

Có thể xem chi tiết Quyết định 2722/QĐ-BTC tại đây.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.