Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2018
1. Luật Du lịch 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018
Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch được đơn giản hóa so với quy định hiện hành, đơn cử như:
Để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, doanh nghiệp chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch thay vì phải gửi hồ sơ đến Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thẩm định rồi mới gửi đến Tổng cục Du lịch.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, Luật này cũng đồng thời bổ sung một số điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Cụ thể là:
– Phải ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
Có thể xem chi tiết Luật Du lịch 2017 tại đây
2. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018
Luật được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm chỉ tập trung cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, SME khởi nghiệp sáng tạo và SME tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Tiêu chí xác định SME được quy định tại Luật bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí là có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỉ đồng, hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng…
Về nguyên tắc hỗ trợ SME, luật này quy định việc hỗ trợ phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Nhà nước hỗ trợ SME có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện, …
Luật quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phân biệt đối xử, gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, …
Về hỗ trợ SME chuyển đổi từ hộ kinh doanh, Luật quy định về miễn thuế có thời hạn, cùng với hỗ trợ khác như miễn lệ phí môn bài, miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện… để tạo khuyến khích đủ mạnh các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Link download Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 tại đây
3. Một số Quy định mới của Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, tuy nhiên, nhiều quy định mới về chính sách pháp luật BHXH được áp dụng và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Một là, mở rộng thêm 2 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đó là, người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Hai là, sửa đổi quy định về mức đóng, hưởng chế độ BHXH hàng tháng.
– Về đóng BHXH, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Khoản 1, điểm a Khoản 2 Điều 4 và điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội về hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, được ghi trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
– Về hưởng BHXH, từ ngày 01/01/2018 trở đi, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu đối với người về hưu trước tuổi. Theo đó, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% – 80% phải đủ điều kiện về tuổi đời như sau:
– Trường hợp người lao động đã có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, trong đó từ đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì không kể tuổi đời.
Ba là, tăng dần số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa.
– Từ 01/01/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.
– Đối với lao động nam, theo luật hiện hành, lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tuy nhiên, từ 01/01/2018, để hưởng mức lương hưu 45%, lao động nam phải đóng đủ 16 năm; tới 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì đóng bảo hiểm 30 năm như hiện nay.
– Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 đến 35 năm BHXH mới được hưởng 75%. Muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện nay. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%.
Bốn là, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo); 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.
Năm là, tăng chế tài xử lý đối với một số tội vi phạm pháp luật về BHXH, được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:
– Tội gian lận BHXH, BHTN quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu: lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN.
– Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm với một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tái phạm nguy hiểm.
– Liên quan đến tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên, bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm; Phạt tiền từ 200 – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với các hành vi: phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.
Chi tiết Luật BHXH 2014 tại đây
4. Cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh
Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 đã cho Thành phố Hồ Chí Minh có các cơ chế đặc thù sau:
– Quản lý đất đai: được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
– Quản lý đầu tư: được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư công 2014 được liệt kê dưới đây:
- Dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt
- Dự án tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh
- Dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ quốc phòng, an ninh có tính chất bảo mật quốc gia
- Dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ
– Tài chính – ngân sách: thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, mức tăng không quá 25% so với hiện hành; Bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc ngoài việc chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định hiện hành cho cán bộ, công chức, viên chức.
– Cơ chế ủy quyền: Chủ tịch UBND Thành phố được ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Chủ tịch UBND cấp huyện.
Chi tiết Nghị quyết số 54/2017/QH14 tại đây
5. Ban hành quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong vấn đề xây dựng, kinh doanh bất động sản
Ngày 27/11/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật (trong đô thị, khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao); kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2018, thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Chi tiết xem tại đây
6. Tăng 6,5% lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 141/2017/NĐ-CP, được áp dụng từ 01/01/2018 như sau: Mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3,53 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng II; Mức 3,09 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV. Trong khi đó, trước đây, mức lương tối thiểu được quy định lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng.
Chi tiết Nghị định tại đây
7. Lãi suất ngân hàng tính theo năm 365 ngày
Tại Thông tư số 14/2017/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, 01 năm được xác định là 365 ngày. Đồng thời, cho phép tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi.
Trước khi thực hiện giao dịch, tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi. Trường hợp có thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng về phương pháp tính lãi trước năm 2018, được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Chi tiết Thông tư 14/2017/TT-NHNN tại đây
8. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng từ năm 2018
Có hiệu lực từ 01/01/2018, Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam đã công bố 06 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới.
Cụ thể, việc phân loại hàng hóa theo Danh mục phải tuân theo các quy tắc sau: Tên của các Phần, Chương hoặc Phân chương được đưa ra chỉ nhằm mục đích dễ tra cứu; 01 mặt hàng được phân loại vào 01 nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện; Hàng hóa không thể phân loại theo đúng quy tắc thì phân vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất; Các loại bao hộp có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ phận hàng hóa xác định, có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán như bao đựng máy ảnh, máy quay phim, hộp đựng nhạc cụ, bao súng… được phân loại cùng với những sản phẩm này.
Chi tiết Thông tư 65/2017/TT-BTC tại đây
9. Từ 8/1/2018, cho phép chuyển mạng di động, giữ nguyên số
Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định chính thức về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số tại Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT.
Theo Thông tư này, dịch vụ chuyển mạng được cung cấp trên cơ sở hợp đồng thương mại giữa các nhà mạng và thuê bao di động. Dịch vụ này không bao gồm việc tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ ứng dụng viễn thông mà thuê bao đăng ký chuyển mạng đang sử dụng tại nhà mạng chuyển đi. Nhà mạng chuyển đi phải đảm bảo không phát sinh cước của bất kỳ dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ ứng dụng viễn thông nào kể từ thời điểm cắt dịch vụ của thuê bao đăng ký chuyển mạng.
Thuê bao di động cá nhân sai thông tin trên giấy tờ tùy thân; Hình thức thanh toán cước; Đang có khiếu nại, tranh chấp về việc sử dụng dịch vụ đối với nhà mạng chuyển đi… sẽ không được chuyển mạng giữ số
Kể từ thời điểm đăng ký chuyển mạng đến trước thời điểm nhận được thông báo lịch chuyển mạng, thuê bao có thể hủy chuyển mạng bằng cách yêu cầu với nhà mạng chuyển đến hoặc nhắn tin trực tiếp đến số 1441.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 08/01/2018.
Chi tiết Thông tư 35/2017/TT-BTTTT tại đây
10. Lệnh thanh toán từ 500 triệu VNĐ phải sử dụng DV thanh toán giá trị cao
Theo Thông tư số 37/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao; đối với lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam có giá trị nhỏ hơn 500 triệu đồng có thể sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao hoặc dịch vụ thanh toán giá trị thấp; với lệnh thanh toán bằng ngoại tệ, phải sử dụng dịch vụ thanh toán ngoại tệ.
Các thành viên tham gia dịch vụ gửi lệnh thanh toán giá trị thấp phải thiết lập, duy trì và quản lý hạn mức nợ ròng; đồng thời phải tự tính hạn mức nợ ròng đầu ngày trên cơ sở căn cứ doanh số giao dịch giá trị thấp của kỳ trước và gửi giấy đề nghị thiết lập hạn mức nợ ròng đầu ngày đến Sở Giao dịch. Việc thiết lập hạn mức nợ ròng đầu ngày được thực hiện 06 tháng/lần vào 05 ngày làm việc đầu tiên của tháng 01 và tháng 07 hàng năm.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018.
Chi tiết Thông tư 37/2016/TT-NHNN tại đây