Bài viết dự thi “Người Phụ Nữ tôi trân quý” [Số 25]: Ngoại tôi

Dạo sau này, tôi hay nghĩ về ngoại, người thân lớn tuổi nhất, cô đơn nhất của tôi. Mỗi khi nhìn vào hai khóe mắt đầy vết chân chim ấy tôi lại tự hỏi, chẳng biết sống đến từng ấy tuổi, ngoại có mãn nguyện không, có thấy bằng lòng vui vầy nhiều với con cháu không. Chẳng bao giờ nghe ngoại than van điều gì lớn lao cả. Mà tôi thì không dám hỏi. Sợ như ngoại ông hồi trước. Cả đời đôn hậu bao dung, đến khi gần nhắm mắt xuôi tay, bao nhiêu bể khổ nhọc nhằn cứ tuông ra từ đôi môi khô khốc theo những cơn mơ chập chờn lúc tỉnh lúc mê. Mà lúc ấy, đâu còn kịp nữa. Tôi sợ, nên tôi tự chấp nhận luôn cả sự im lặng của bản thân, của ngoại với sự cô đơn xế chiều.

Đôi dăm bữa một tháng, tôi hay chở con cháu đi thăm ngoại. Cháu tôi gọi ngoại là cố. Xe dừng ở sân còn chưa tắt máy, nó đã í ới gọi, cố ơi cố, chào cố cháu đi học về. Đó là giây phút hiếm hoi tôi thấy ngoại cười và đôi mắt sáng rực lên. Sau đó thể nào, ngoại cũng lôi ra một bịch oishi, dăm ba bộ bài tứ sắc cũ, hộp kẹo đủ màu để nó ngồi yên trong lòng ngoại. Người già, còn gì vui hơn khi được vui vầy cùng con cháu.

Có đợt, tôi đi suốt từ sáng tới tối mịt gần 2 tháng trời, nên khi thằng cháu vừa sà vào lòng, ngoại cứ ôm mặt nó mà hun chùn chụt, “trời ơi, cố nhớ cháu quá trời quá đất, nhưng đành chịu thôi chứ biết làm sao”. Tôi đứng tần ngần bên cạnh, thấy hai con mắt cay xè. Từ dạo đó đến giờ, lần nào ra thăm, tôi cũng nấn ná lại cho đến chiều muộn, cho đến khi thấy bóng cái lưng gù gù của dì tôi lọt tọt trên chiếc xe đạp xuất hiện. Mỗi khi có việc phải về sớm, quay xe ra là cứ trăn trở mãi hình ảnh, chốc lát nữa thôi, ngoại ăn cơm xong lại ngồi một mình nhìn ra đường, nghe cuộc đời chảy túc tắc từng giọt, từng giọt trong cô đơn. Mà thật ra, ngoại đâu có cô đơn. Ngoại còn mấy dì, còn cậu mợ, còn cháu chắt chút chít đầy ra đấy, chỉ thiếu mỗi ngoại ông, thiếu những chiều hai ông bà tíu tít ngồi bên nhau têm trầu…

Nhìn ngoại, tôi thấy bóng dáng mẹ, hiền từ và chịu khó, bao dung và cam khổ. Búi tóc dài ngày trước, làn da ngăm…của mẹ đều từ ngoại mà ra cả.

Nhiều khi, tôi hay lầm lẫn, tưởng mẹ là ngoại, ngoại là mẹ.

Nhiều khi, tôi ra thăm ngoại, chỉ vì sợ sau này, con gái mình sẽ không gần gũi với mẹ nó.

Nhiều khi, tôi hay lén lút dúi vào tay ngoại vài ba đồng, như hồi ngoại ông còn sống. Người già, chẳng ăn uống gì nhiều, tiền cũng chẳng tiêu được vào việc gì, ít nhiều không kể, mà cứ thấy vui thơi cái lòng, như trẻ nhỏ được quà.

Nhiều khi, tôi muốn ôm ngoại một cái như ôm mẹ, mà chưa lần nào. Tôi to cái đầu, mà mặt vẫn còn đỏ mỗi khi xấu hổ. Nên tôi hay bảo thằng cháu ôm cố chặt vô, hôn má, hôn trán cố mạnh vô…chỉ là để làm bù cho mình.

Nhiều khi, tôi hay xót khi thấy ngoại mang bộ bà ba cũ sờn, bạc thếch nhưng biết ngoại thích điều đó. Với ngoại, những thứ cũ cũ ấy, mới ấm lòng nhiều.

Nhiều khi ngoại hay hỏi tôi, dạo này công việc, buôn bán ổn không con, rồi ừ ừ gật gật, con thích và còn sức thì cứ làm.

Nhiều khi ở bên ngoại, tôi muốn thời gian dừng lại mãi ở khoảnh khắc ấy. Mà thời gian thì bạc bẽo lắm. Nên tôi cứ vội hẳn lên, sắp đến mùa đông rồi, sắp cuối năm rồi.

Đợt trước, tôi mua mấy búp len về, mượn mẹ đôi que để đan cái khăn. Mẹ tôi thắc mắc, có bao giờ tôi bỏ thời gian ngồi tỉ mỉ, tẩn mẩn mấy cái việc này đâu. Bữa nay, cần gì thì ra chợ xoẹt một cái, mấy chục ngàn đã có cái khăn đẹp mê ly. Nên mẹ cứ đoán già đoán non, tôi chỉ đan khăn cho chồng.

Tôi cười, con đem tặng ngoại. Mẹ cũng cười theo rồi ừ hè, ừ hè. Nói rồi mẹ quay vô bếp. Tôi không nghĩ là mẹ không vui dù mẹ từng đan cho tôi bao nhiêu là áo, khăn choàng len đủ màu nhưng tôi thì chưa lần nào trả hiếu bằng cách đó. Ngoại tôi, là mẹ của mẹ, chung nhau máu mủ ruột rà…

Mấy hôm nay trời không mưa, có nắng nhưng vẫn hơi lạnh. Mùa đông sắp đến. Mùa Tết nữa, lại một mùa Tết ngoại một mình ngồi têm trầu. Bụi trầu một góc sân nay có nắng, bao nhiêu năm rồi vẫn xanh mướt và thơm lừng hương ngoại.

HỒ TỊNH THỦY

Đơn vị: HEA

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *