Bài viết dự thi “Người Phụ Nữ tôi trân quý” [Số 15]: Nỗi vất vả cuối cuộc đời

Tôi gặp bà vào một buổi trưa liu riu gió, sau những cơn mưa nặng hạt quất rát mặt người. Thân hình bé nhỏ, khô quắt, quẫy đôi quang gánh đi chậm rãi dọc hành lang quanh Hoàng Thành cổ kính như vẽ lên cả một nỗi cô đơn của xứ Huế những ngày cuối thu.

Mỗi sáng, bà dậy lúc bốn giờ để nấu cơm cho hai người con, xong đâu đó tất tả quẫy đôi quang gánh đi dọc triền sông Hương hái những mớ rau mọc dại ven đường và rao bán. Bấy nhiêu đó thôi nhưng có khi bà đi từ sáng đến tối mới về. Bao giờ bán hết thì mới có cơm ăn. Dăm bữa may mắn, có người ghé biếu bà vài ba đồng, mấy cái bánh lấy thảo là mừng khôn xiết.

Chồng bà đã mất hơn 40 năm, một mình bà làm đủ nghề cưu mang đàn con. Hai cô con gái lớn đã lập gia đình nhưng gia cảnh cũng khó khăn. Nhắc đến họ, bà xót xa, bà chẳng nhớ lần gần nhất họ về thăm bà là bao lâu. Có lẽ họ quên bà rồi nhưng bà chẳng trách bởi họ cũng khổ, thân còn lo chưa xong lấy gì lo người khác. Một người con trai nữa cũng đã có gia đình nhưng gia cảnh cũng chẳng khá khẩm hơn. Hai người còn lại trong nhà mà bà gắn bó hàng ngày là hai người con trai ốm yếu, bệnh tật, tuổi xấp xỉ năm mươi. Bấy nhiêu chi tiêu trong gia đình ba miệng ăn đè nặng lên đôi vai còm cỏi của bà, đã hơn tám mươi tuổi vẫn mỗi sớm thức dậy lúc bốn giờ và quay trở về khi trời nhá nhem tối. Nên nhiều khi trái gió trở trời, nên nhiều khi mưa nắng thất thường không bán buôn được, bà lại thấp thỏm lo âu không biết mai nay nằm xuống, ai sẽ cưu mang cho hai người con tội nghiệp của mình.

Khi tôi hỏi sao bà không đi lấy sỉ rau nhiều nhiều thêm rồi bán. Bà nghe xong rồi mấp máy đôi môi khô khốc, bà không có tiền làm vốn con à. Ngày kiếm được bao nhiêu mua gạo cho 2 đứa con bị tâm thần ăn hết cả. Coi vậy chứ ăn khỏe lắm. Từng này tuổi rồi, bà cũng không biết phải làm gì hơn, ngày nào lo ngày ấy con ơi, mai bà có nằm xuống rồi cũng chẳng biết con cái đi đâu về đâu, ai lo cho…Nói rồi, bà lại ngồi lặng im, đôi mắt như sắp khóc. Nhưng nhìn vào chúng tôi biết, sẽ không có giọt nước mắt nào nữa cả. Chẳng phải đôi mắt ấy đã khô queo và cạn kiệt mỏi mòn theo từng gánh rau bao nhiêu năm qua.

Trời đã bắt đầu nhá nhem tối, chiều chủ nhật đổ mưa buồn lê thê. Không khó để tìm ra được nhà bà, khuất cuối một con hẻm nhỏ và ẩm ướt. Hỏi địa chỉ thì không ai biết, nhưng hỏi bà Tồn đi hái rau dại bán ngoài Đại Nội thì ai cũng biết. Người ta còn nói, bà Tồn “nổi tiếng” lắm, bà hơn tám mươi tuổi còn đi bán rau nuôi hai đứa con bị tâm thần. Bà “nổi tiếng” vì…bà khổ nhất nhì cái vùng Kim Long này. Con cứ chạy dọc bờ sông Hương, lên đoạn gần Chùa Thiên Mụ, hỏi ngươi ta chỉ cho…

Dưới ánh đèn lờ nhờ của buổi chiều muộn, tôi vào nhà, đã thấy cái khổ của đời bà bày ra trước tầm mắt. Ngôi nhà được xây cất lâu lắm rồi chỉ vừa đủ để che mưa che nắng nhưng chật chội và đơn sơ. Mùi ẩm mốc, mùi ngai ngái, khen khét trộn vào nhau…như thể đã lâu lắm rồi không được quét dọn, chăm sóc. Mái hiên chật chất đầy giấy vụn, giấy cát tông và vỏ chai nhựa lăn lóc. Chỉ vào chúng, bà nói, của thằng con đi lượm đó. Gom bao nhiêu ngày mới được từng ấy. Vào bên trong nhà, ngay góc phòng là người con trai lớn của bà, nằm cuộn mình trong chăn, nhỏ thó và bất động. Biết tôi đến, nhưng anh không nói được, không cất nổi một lời chào. Cho đến khi tôi sắp sửa rời đi, anh mới ngồi dậy, lơ ngơ láo ngáo nhìn vô định vào khoảng trời đầy gió…

Chia tay gia đình, chia tay ngôi nhà với ba phận người lạc lõng, tôi đã không nén nổi lòng mình. Thương bà mẹ già với tấm lòng bao la.

Chạy dọc dòng sông Hương về đêm tĩnh mịch, trong đầu vẫn văng vẳng câu nói mà không biết bao giờ mới tàn phai, “bán được ngày nào hay ngày đó, không biết mai rày bà chết đi, hai đứa con tật nguyền của bà ai lo, ai lo…”

Ừ thì, bà canh cánh ai lo cho hai người con tật nguyền, vậy còn bà, ai lo cho thân già đã hơn tám mươi tuổi vẫn thức dậy mỗi ngày lúc bốn giờ sáng để nấu cơm rồi đi dọc triền sông Hương hái rau…

Quay lưng bước đi, tôi không hình dung nổi được, những khi mệ nhức xương mỏi gối, những ngày ho heng đau đầu, ba phận người ấy sẽ xoay sở và đỡ đần nhau bằng cách nào!

Chừng ấy, chẳng phải người ta đã được ngơi nghỉ, đã được tịnh dưỡng tuổi già rồi đó sao…

Chừng ấy, chẳng phải ai đó đã sắp đi hết một đời người.

HỒ TNH THỦY

Đơn vị: ALS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.