Có lẽ là năm 2012, cuối năm 2012 thì phải, tôi được một số thầy cô của ĐH Văn Hiến mời gặp mặt, buổi gặp mặt đó diễn ra cũng đã lâu nên tôi cũng không còn nhớ hết chi tiết.
Ấn tượng lần gặp đó là Ông chủ của Tập đoàn Hùng Hậu. Trong suốt buổi gặp ông chỉ lắng nghe và cuối buổi nói lời cảm ơn mọi người.
Sau khi nghỉ làm công tác quản lý, tôi đã tìm hiểu nhiều trường đại học trước khi quyết định xin làm cho một cơ sở giáo dục. Sau cùng, tôi chọn Đại học Văn Hiến.
Về đây mới có dịp tìm hiểu thêm về Trường, về thầy cô giáo, đội ngũ phục vụ, về sinh viên… đặc biệt là về những người khai sinh ra ĐHVH, những người gắn bó với Văn Hiến từ ban đầu.
Tháng 11/2020 – tháng tôn vinh những người làm nghề dạy học, tôi được nhà trường phân công gặp các thầy cô đã công tác tại trường.
Hôm đó tôi đi thăm thầy cô làm ở ĐH Văn Hiến đã nghỉ hưu. Đến nhà thầy Trần Tuấn Lộ trước. Thầy năm nay 90, Thầy vẫn nhận ra tôi. Nói chuyện cùng Thầy một lúc, Thầy “khoe” đang viết 1 cuốn giáo trình, dự định nửa năm nữa xong. Tôi chúc Thầy luôn khỏe để ĐH Văn Hiến sớm có thêm một giáo trình. Tôi đùa: “Thầy ơi, mỗi năm em đến thăm thầy thế này ĐH Văn Hiến có thêm 1 giáo trình, năm thầy 100 tuổi – ĐH Văn Hiến sẽ có thêm 10 công trình của thầy nữa ạ!”. Thầy cười, ánh mắt lộ niềm tin về một ĐH Văn Hiến tương lai. Hôm qua, tôi vừa nhận được Quyết định của Trường nghiệm thu giáo trình của Thầy. Xin được chúc mừng và cảm ơn Thầy vì những đóng góp của Thầy với Đại học Văn Hiến!
Người thứ 2 tôi tới thăm là thầy Sử. Chúng tôi ghé nhà thầy Trần Minh Sử vào một buổi chiều. Thầy Sử năm nay cũng đã 81. Thầy cho tôi xem những công trình của thầy. Tôi ngạc nhiên về những gì thầy đã làm được hồi trẻ. Càng ngạc nhiên hơn khi thầy bảo vệ luận án Tiến sỹ vào năm 2008 (khi 69 tuổi) trong lĩnh vực Thương mại điện tử – một lĩnh vực tôi tưởng chỉ có ở những người trẻ. Thầy ôm tôi và khuyến khích: cố lên nhé các bạn, mình hy vọng Văn Hiến sẽ phát triển không ngừng.
Hôm qua đến thăm thầy Bình, thầy Triệu Quốc Mạnh để gửi quý thầy quà Tết Tân Sửu của Đại học Văn Hiến tới quý thầy.
Tôi được gặp Luật sư Triệu Quốc Mạnh lần đầu vào dịp 20/11 năm Kỷ Hợi qua sự giới thiệu các khách mời của Ban tổ chức lễ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam mà tôi được mời dự. Lần gặp thứ hai cách đây vài tháng tại một khách sạn gần trường nhân Ngày Kỉ niệm Văn Hiến về với mái nhà chung Hùng Hậu và lần gặp mặt này là tại nhà riêng của ông!
Trò chuyện với ông, tôi mới biết ông là một trong những người đồng sáng lập ra Đại học Văn Hiến. Qua tìm hiểu, tôi được biết Luật sư Triệu Quốc Mạnh trở thành thẩm phán trẻ nhất trong ngành Tư pháp Sài Gòn – Gia Định khi mới 23 tuổi. Bảy năm sau (1971) ông được thăng Đệ nhất Phó Biện lý của Toà Sài Gòn – Gia Định, một chức vụ đầy quyền hành với cả ngành cảnh sát của chính quyền Sài Gòn-Ông cũng là người được giao Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn-Gia Định 24 giờ trước 30/4/1975. Ở chức vụ này, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, Ông đã đóng góp cho ngày thống nhất đất nước trọn vẹn hơn.
Nhớ lại hôm Tết, tôi gọi điện cho thầy Trần Chút thông báo “Em về Văn Hiến làm việc rồi”, thầy bảo: “Chúc mừng H nha. Cố gắng làm tốt công việc để VH phát triển nha!” – “Cảm ơn Thầy, em sẽ cố gắng…”.
Với truyền thống mà những “tiền bối” đã tạo ra, tôi nghĩ các thế hệ mai sau sẽ mãi tự hào và cùng chung trách nhiệm làm cho vị thế của Đại học Văn Hiến cả hiện tại và tương lai.
Lịch sử không tự có. Nó là sự kết tinh lao động, đoàn kết và yêu thương.
Một cái Tết thứ hai từ khi về với Văn Hiến, dưới mái nhà chung của Hùng Hậu đã cận kề. Xin chúc những NGƯỜI HÙNG HẬU một năm mới tràn đầy sinh lực, vui tươi, hạnh phúc và may mắn!
Đến với Văn Hiến, có phải là cơ duyên?!
Văn Hiến, năm thứ hai Tết cùng Hùng Hậu
Nguyễn Kim Hồng – VHU