Tôi chấp bút những dòng này khi đang thưởng thức một điệu Valse nhẹ nhàng, sâu lắng cùng tách trà nóng giữa tiết trời se lạnh của thời khắc giao mùa. Đông qua, xuân tới, Tết lại về. Là dịp chúng ta làm mới hơn chính mình của ngày hôm qua bằng việc lắng tâm thanh tịnh, khởi lên những ý niệm thiện lành và thắp lên những dự định tươi sáng.
Xuân trước, tôi viết những điều này cho chính tôi.
Xuân này, xin tự sự cùng Người Hùng Hậu, cùng Âu Lạc Huế yêu thương.
Xuân của đất trời – xuân của lòng người.
Khi hoa vàng sắp nở
Trời sắp sang mùa Xuân
Anh cho em tất cả
Tình yêu non nước này…
Trời sắp sang mùa Xuân
Anh cho em tất cả
Tình yêu non nước này…
(“Nụ hoa vàng mùa Xuân” – Kim Tuấn)
Trước thềm xuân, bao giờ cảm xúc con người cũng trở nên dễ rung động, nồng nàn trong xuân của đất trời, xuân của lòng người. Mỗi năm xuân đều đúng hẹn, cuộc sống vẫn tiếp diễn với những quy luật của nó nhưng lòng người vẫn không khỏi những bồi hồi trước khoảnh khắc giao mùa, vẫn không khỏi mong chờ khấp khởi trước một mùa xuân mới. Lâng lâng trong xúc cảm này, lòng người bổng dưng bao dung lạ thường. Giữa bến xe tấp nập cuối năm, những người xa lạ không còn ngần ngại trao nhau nụ cười, bởi lòng ai nấy đều đang rạng rỡ đón chờ chuyến xe về quê ăn Tết. Tay cầm nhánh đào, niềm hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt. Vẻ đẹp tươi mới của vạn vật mùa xuân đã len lỏi vào những ngõ ngách ẩn sâu trong trái tim để lan toả năng lượng tích cực diệu kỳ ấy. Xuân mới, tâm hồn bổng nhiên vui!
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về là mỗi gia đình Việt lại chung tay hứng khởi cùng nhau lau dọn, trang hoàng. Nhà nhà dọn dẹp, sắp xếp lại năm cũ để đón chào một xuân mới an khang, người người cũng nên “dọn dẹp cõi lòng”, xoá bỏ những phiền lo để sang trang mới cho tâm hồn. Tâm mình cũng giống như một ngôi nhà. Muốn dọn dẹp trước hết phải lắng lòng, nhìn kĩ xem cái gì làm nó bộn bề. Cuốn sách mang tên “Dọn nhà, dọn cửa. Gột rửa trái tim” của thiền sư Shoukei Matsumoto giúp ta giác ngộ triết lý nhân sinh sâu sắc: Từng việc, từng việc mà chúng ta làm sẽ tạo ra trái tim, tạo ra tâm hồn của chúng ta. Cái gì còn gợi cho ta miền ký ức tươi đẹp thì hãy giữ lại, cái gì đem lại sầu đau thì hãy bỏ đi. Công việc mà hằng cuối năm chúng ta vẫn thường làm, không đơn thuần là lao động, đó còn là nghi thức “thanh tẩy trái tim, bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn”. Loại bỏ bụi bẩn ở sâu trong tâm, giũ sạch lòng tham, lau đi những hiềm khích để tìm thấy cái tôi chính trực, mang một trái tim thanh thuần, sẵn sàng đón nhận yêu thương trước thềm xuân mới.
Xuân bên gia đình: xuân của yêu thương
Mùa xuân có lẽ là dịp để trở về. Trở về với sự chân thật, cái tôi đơn sơ, mộc mạc bên bữa cơm dưa cà, bên bình trà với ba, bên bếp lửa hồng của mẹ. Vạn vật thu bé lại, chỉ còn gia đình, tình thân, không còn bon chen, sân si, tham vọng, chỉ còn bao dung, yêu thương, ý niệm thiện lành trong tâm hồn mới.
Những ngày này, đi đâu tôi cũng lảng vảng nghe:
Đường về nhà là vào tim ta,
Dẫu nắng mưa gần xa.
Thất bát, vang danh,
Nhà vẫn luôn chờ ta.
Đường về nhà là vào tim ta,
Dẫu có muôn trùng qua.
Vận đỗi sao dời,
Nhà vẫn luôn là nhà.
Dẫu nắng mưa gần xa.
Thất bát, vang danh,
Nhà vẫn luôn chờ ta.
Đường về nhà là vào tim ta,
Dẫu có muôn trùng qua.
Vận đỗi sao dời,
Nhà vẫn luôn là nhà.
2020 là năm đặc biệt đầy biến động, đầy gian truân. Nhưng đúng như lời trong ca khúc “Đi về nhà” của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, dù có “thất bát”, có “vang danh”, có “muôn trùng qua”, để rồi sau tất cả “nhà vẫn luôn chờ ta”. Nhà chính là chốn neo đậu bình yên, là nơi nuôi dưỡng yêu thương, nơi có những người ta yêu nhất và cũng có những người yêu ta nhất.
“Phong toả”, “giãn cách xã hội” là những từ khoá của toàn cầu trong năm 2020. Báo chí, truyền thông đã có rất nhiều con số thống kê về những thiệt hại về con người và kinh tế do đại dịch Covid gây ra. Nhưng bỏ quên đâu đó, chưa ai thống kê số những bữa cơm gia đình có đông đủ thành viên, số những cái ôm chậm của chồng dành cho vợ, số những câu chuyện mẹ kể con nghe hằng đêm, số những cái thơm má ba dành cho con trước khi con ngủ… Covid đã đóng cửa nhiều biên giới. Những chuyến đi bên ngoài khép lại là lúc những chuyến đi vào tâm khảm được mở ra. Đó là “chuyến đi về nhà”, trở về với những chân phương, bình dị nhưng vô giá mà có lẽ sự bận rộn thường ngày đã làm ta quên đi. Sâu vào tâm trí, để từ đó ta gặp được chính ta, hiểu ta là ai, ta không thể sống thiếu cái gì, điều gì cuối cùng là quan trọng nhất.
Sự đổi thay giữa Tết xưa – Tết nay là điều tất yếu của cuộc sống. Nhưng có một giá trị sẽ mãi không thay đổi giữa những ngày Tết về, là sự gắn kết thế hệ, niềm vui đoàn viên gia đình.
Xuân cùng Âu Lạc: Xuân của sự bền tâm vững chí
Có những kỷ niệm đẹp về một hành trình được xếp trân trọng vào ngăn ký ức. Đón xuân này tôi nhớ những xuân qua, nhớ về những ngày đầu tiên trên hành trình phụng sự Âu Lạc Huế yêu thương. Như chỉ vừa chớp mắt thôi, đã bốn mùa xuân tôi gắn kết với nơi đây.
Từ những ngày đầu năm 2020, sự xáo trộn về tâm lý, cuộc sống và công việc, sự suy giảm về kinh tế đã ảnh hưởng sâu sắc tới mỗi cá nhân và tổ chức trên toàn cầu, không loại trừ Âu Lạc chúng tôi. Cuộc sống của mỗi cá nhân gắn bó mật thiết với sự tồn vong của một tổ chức. Nói cách khác, “sức khoẻ” của một tổ chức ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khoẻ” của mỗi cá nhân cán bộ, nhân viên. Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng trăm cán bộ-giáo viên-nhân viên công ty chúng tôi cùng tự nguyện giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, thậm chí các cán bộ điều hành, quản lý tự nguyện đi làm không hưởng lương. Mọi quyết định đều xuất phát từ nỗi trăn trở, khát khao làm sao bảo toàn được “sức khoẻ” của tổ chức và an sinh cho người lao động, để nguyên vẹn – chúng tôi cùng nhau đi qua giông bão.
Chúng tôi đã duy trì sự sống còn chung này bằng một tinh thần đoàn kết và một trái tim dũng cảm, kiên định với các mục tiêu cụ thể:
Một là, ưu tiên số một là đảm bảo sự an toàn – sức khoẻ cho mỗi thành viên trong ngôi nhà chung trong giai đoạn đại dịch hoành hành. Mỗi cá nhân phải tự ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, tổ chức và cộng đồng. Mỗi vị cán bộ quản lý lại càng phải nêu cao tinh thần này, quan tâm và theo dõi để không một ai trong đơn vị, phòng, ban mình xảy ra sự cố nghiêm trọng liên quan đến dịch bệnh.
Hai là, “phát huy tinh thần sáng tạo, đừng sợ những ngã rẽ mới!” (Inamori Kazuo). Kinh tế khủng hoảng cũng là thời điểm vàng cho những sáng tạo và tiên phong. Trong thời gian đó, chúng tôi đã tập tành kinh doanh các mặt hàng nông sản, vừa tạo được hiệu ứng tốt đẹp về tinh thần cứu trợ người nông dân trên toàn tỉnh nhà trong mùa dịch, vừa tạo ra thu nhập mới cho bộ phận giáo viên – nhân viên của công ty. Hơn tất thảy, chúng tôi đánh thức được năng lực ngủ quên trong sâu thẳm bản thân, nhận ra rằng “Mọi khó khăn đều là quà tặng, không có khó khăn, chúng ta không thể phát triển” (Tony Robbins).
Ba là, kiên định thực hiện các mục tiêu được tổ chức tin tưởng giao phó. Khi bị thương, chúng ta thường chỉ tập trung vào nỗi đau đang hiện hữu mà quên mất mục tiêu ban đầu. Nên nhớ rằng, khi gặp khó khăn, chúng ta càng phải tập trung cao độ nhìn về sứ mệnh và mục tiêu cần hoàn thành. Tận dụng thời gian này để cụ thể hoá các mục tiêu nhỏ, từ đó rà soát, chấn chỉnh, thay đổi phương thức tổ chức để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu trọng tâm.
Cuối cùng, “nếu không có ô tô thì vẫn còn xe đạp”. Càng ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt, chúng ta càng không được bi quan về cuộc sống của mình và tương lai của tổ chức. Huống chi cả thế giới đều có chung hoàn cảnh với ta, đây chẳng phải là lúc ta trở nên khác biệt bởi tư duy tích cực và ý chí kiên cường hay sao?!
Năm 2020, thiên tai bão lũ, dịch bệnh lấy đi của Âu Lạc chúng tôi quá nhiều thứ, nhưng, như lời ca khúc Niềm tin Hùng Hậu (Nguyễn Quốc Bảo Châu), chúng tôi vẫn luôn kiên tâm một cuộc sống tươi đẹp. Kề vai bên nhau vượt gian khó. Với đôi tay, chúng ta đồng lòng, cùng xây tương lai thêm sáng tươi. Với tinh thần đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho khí chất, bản lĩnh của Người Hùng Hậu, những lúc này, chúng tôi thêm yêu thương, gắn kết và dẫu thách thức vẫn sẽ luôn đợi chờ, niềm tin Hùng Hậu luôn tiến xa.
Thành công được xác định không chỉ bởi những gì đã đạt được mà cả những trở ngại đã vượt qua (lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Tôi cho rằng, anh em Âu Lạc Huế chúng tôi nói riêng, và tập thể người Hùng Hậu nói chung đều đã đạt được những thành công nhất định trong bối cảnh đầy thách thức của năm 2020.
Xuân của Người Hùng Hậu – kiên định mục tiêu 2021
Hơn cả một kỳ nghỉ, Tết còn là một khoảng dừng giữa nhịp sống vội vã, là lúc mỗi người nhìn lại hành trình năm cũ đã qua, và thắp lên những dự định tươi sáng, những mục tiêu tốt đẹp cho năm mới.
Tôi vẫn thường chia sẻ với anh em Âu Lạc chúng tôi: Người không có mục tiêu cũng giống như con tàu không có bánh lái. Đối với một tổ chức cũng vậy, trước khi bắt tay hành động cần phải xác định mục tiêu cụ thể. Việc thiết lập mục tiêu là điều tiên quyết cho sự thành bại của mọi kế hoạch.
Trong xuân mới này, mục tiêu số một của tập thể Âu Lạc Huế sẽ là chủ động hoá: quyết tâm phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi thành viên, chủ động tự phê, tự kỷ luật và đặc biệt tự nêu giải pháp. Khi mỗi cá nhân vận động tích cực, thì hệ thống chắc chắn vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, điều kiện cần là một môi trường quản trị vĩ mô ổn định, đơn giản hoá trong quy trình nghiệp vụ, ít rào cản về thủ tục hành chính. Hơn nữa, vai trò của cán bộ điều hành, quản lý các cấp phải được tạo cơ chế phân cấp phân quyền thực sự, phải thực sự là những thủ lĩnh hạt nhân – trước tiên cần phải có đủ bản lĩnh và trí tuệ để hạt nhân hoá vai trò của mình. Ngoài ba chữ H ở trên, còn có ba chữ H: “Honesty – Trung thực”, “Humility- Khiêm tốn” và ” Hardworking – Siêng năng” là ba đức tính tốt đẹp và cơ bản mà Người Hùng Hậu cần tiếp tục nuôi dưỡng.
Chỉ còn vài ngày nữa thôi sẽ là thời khắc đánh dấu sự khởi đầu của năm mới. Mỗi thành viên trong ngôi nhà chung Hùng Hậu sẽ có những mục tiêu riêng cho bản thân, nhưng tập thể Người Hùng Hậu sẽ có một và chỉ một mục tiêu chung: Đó là khát vọng dấn thân phát triển tổ chức, toàn tâm toàn trí phụng sự, kiến tạo những thành tựu riêng của chính mình trong thành tựu chung của Hùng Hậu.
Hành trình qua bốn mùa xuân tưởng dài nhưng chưa đủ, tưởng ngắn nhưng lại không. Nhìn lại chặng đường đã qua, cảm xúc vẫn nguyên vẹn và đong đầy. Vẫn là lời tri ân của tôi gửi đến gia đình, anh em cộng sự Âu Lạc Huế, và các cấp lãnh đạo Hùng Hậu. Dù chỉ thiếu một trong số đó, chắc chắn sẽ không thể có một Tôi của ngày hôm nay. Lòng biết ơn này sẽ là nguồn năng lượng tích cực giúp tôi vững vàng trước mọi thách thức, dấn thân cùng anh em cộng sự thực hiện khát vọng vì một Âu Lạc Huế thịnh vượng, vì một Hùng Hậu “vững an khang”.
“Dưỡng tâm trong – Rèn trí sáng – Xây hoài bão lớn” là câu chúc thay cho lời kết, tôi muốn gửi đến tập thể Người Hùng Hậu nhân dịp Xuân mới.
Chiều 19/12/2020 âm lịch,
Tự sự và tri ân,
Tôn Nữ Thuỳ Trâm – HEA