1. Lĩnh vực xuất – nhập khẩu
a. Xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
i. 4 trường hợp không phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Ngày 20/04/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:
– Hàng hóa xuất khẩu;
– Hàng hóa nhập khẩu không thuộc hàng hóa quy định tại Điều 4 Thông tư này;
– Hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp quy định miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Trường hợp người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ này tại thời điểm làm thủ tục hải quan và thực hiện khai theo quy định.
Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp hoặc phát hành theo các hình thức sua: Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa ở dạng chứng từ giấy; Một số trường hợp được chấp nhận ở dạng chứng từ giấy hoặc điện tử.
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có chữ ký của người xuất hoặc người xuất khẩu, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp dưới dạng điện tử truyền qua Công thông tin một cửa quốc gia.
ii. 09 sai sót được chấp nhận trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Theo Thông tư 38/2018/TT-BTC thì cơ quan Hải quan vẫn chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (XXHH) trong 09 trường hợp sau:
– Lỗi chính tả hoặc đánh máy không làm thay đổi nội dung;
– Khác biệt trong cách đánh dấu tại các ô trên C/O: đánh dấu bằng máy hoặc bằng tay, đánh dấu bằng “x” hay “√”;
– Khác biệt nhỏ giữa chữ ký trên chứng từ chứng nhận XXHH và chữ ký mẫu;
– Khác biệt về đơn vị đo lường trên chứng từ chứng nhận XXHH và các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan (như tờ khai hải quan, hóa đơn, vận tải đơn);
– Khác biệt giữa khổ giấy của C/O nộp cho hải quan với mẫu C/O theo quy định;
– Khác biệt về màu mực của các nội dung khai trên chứng từ chứng nhận XXHH;
– Khác biệt nhỏ trong mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận XXHH và các chứng từ khác;
– Sự khác biệt mã số trên chứng từ chứng nhận XXHH với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất XXHH và hàng hóa thực tế nhập khẩu phải phù hợp với mô tả hàng hóa trên chứng từ;
– Các khác biệt nhỏ khác theo thỏa thuận tại ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên được TCHQ thông báo.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/06/2018.
Có thể xem chi tiết Thông tư 38/2018/TT-BTC tại đây.
b. Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan, thuế và quản lý thuế với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
i. Mức tính tiền chậm nộp thuế xuất, nhập khẩu là 0,03%/ngày
Ngày 20/4/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tư này quy định, số tiền chậm nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu = mức tính số tiền chậm nộp x Số ngày chậm nộp tiền thuế x Số tiền thuế chậm nộp.
Trong đó, mức tính số tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, thay vì 0,05%/ngày như quy định trước đây tại Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Từ 5/6, mức tính tiền chậm nộp thuế xuất, nhập khẩu là 0,03%/ngày (Ảnh minh họa)
Các trường hợp người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp bao gồm:
– Nộp tiền thuế chậm so với thời hạn quy định, thời hạn được gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong quyết định ấn định thuế và văn bản xử lý về thuế của cơ quan có thẩm quyền;
– Nộp bổ sung tiền thuế thiếu do khai sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn;
– Được nộp dần tiền nợ thuế theo quy định;
– Hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế được bảo lãnh để thông quan hoặc giải phóng hàng theo Điều 9 Luật Thuế xuất, nhập khẩu.
ii. Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về thuế trong lĩnh vực hải quan, như sửa quy định về thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp để phù hợp với Luật thuế XK, thuế NK 2016:
– Bỏ quy định tại Khoản 1 Điều 39 Thông tư 38 về việc xác định người phải nộp các loại thế trên do đã quy định cụ thể tại Luật thuế XK, thuế NK.
– Tại phần phương pháp tính thuế theo tỉ lệ phần trăm sửa chỉ tiêu trị giá tính thuế cho phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 37 Thông tư 38;
– Bổ sung phương pháp tính thuế đối với trường hợp tính theo mức thuế tuyệt đối phù hợp với quy định tại Điều 6 Luật Thuế XK, thuế NK;
– Bỏ thời hạn nộp thuế do đã quy định tại Điều 9 Luật Thuế XK, thuế NK.
iii. Bổ sung quy định đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng một trong các biện pháp về thuế tự vệ/chống bán phá giá/chống trợ cấp thì:
Trị giá tính thuế TTĐB, trị giá tính thuế GTGT phải cộng thêm thuế tự vệ/chống bán phá giá/chống trợ cấp do Luật thuế XK, thuế NK đã quy định 03 loại thuế nêu trên là thuế nhập khẩu bổ sung.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/6/2018.
Có thể xem chi tiết Thông tư 39/2018/TT-BTC tại đây.
2. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Vừa qua, BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị quyết 28-NQ/TW về việc cải cách chính sách tiền lương và chính sách BHXH.
Trong đó, có những thay đổi lớn trong chính sách mà NLĐ cần phải biết sau đây:
a. Bổ sung quy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ
Hiện nay, Chính phủ mới chỉ công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng (Hiện hành áp dụng theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP). Tuy nhiên với những NLĐ làm công việc bán thời gian cho doanh nghiệp thì chưa có quy định mức lương tối thiểu theo giờ.
Như vậy, việc bổ sung quy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ nhóm này cũng như đảm bảo tính linh hoạt của thị trường lao động.
b. Tăng lương tối thiểu vùng trong giai đoạn 2018 – 2020
Đối với giai đoạn này, mục tiêu của Nhà nước là thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ (không phải là nhu cầu sống tối thiểu như hiện hành).
c. Sửa luật để giảm tình trạng hưởng BHXH 01 lần
Việc sửa đổi nêu trên sẽ được thực hiện theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.
Ngoài ra, sẽ sửa đổi các quy định để khuyến khích NLĐ tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với NLĐ muốn nhận chế độ hưu trí sớm.
Có thể xem chi tiết Nghị quyết 27-NQ/TW tại đây và Nghị quyết 28-NQ/TW tại đây.
3. Lĩnh vực thuế TNCN
Những bệnh hiểm nghèo được xét giảm thuế TNCN
Tại Công văn 1802/TCT-TNCN ngày 16/5/2018, Tổng cục Thuế đã dẫn lại quy định về những bệnh hiểm nghèo được xét giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Cụ thể, ngoài bệnh hẹp động mạch vành (đã điều trị đặt sten), người bệnh mắc các bệnh sau có thể được xét giảm thuế TNCN, bao gồm: Ung thư; Nhồi máu cơ tim lần đầu; Đột quỵ; Hôn mệ; Bệnh Parkinson; Viêm não nặng; Suy thận; Suy gan; Mất thính lực; Mù hai mắt; Bỏng nặng; Chấn thương sọ não nặng…
Danh mục 42 bệnh hiểm nghèo được xét giảm thuế TNCN được quy định cụ thể tại Công văn 6383/BTC-TCT năm 2015 của Bộ Tài chính.
Có thể xem chi tiết Công văn 1802/TCT-TNCN tại đây.