- Lĩnh vực giáo dục
a. Xét tuyển Đại học, Cao đẳng: Thí sinh được thay đổi nguyện vọng 01 lần
Ngày 26/03/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kèm theo Quyết định 1160/QĐ-BGDĐT 01 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.
Cụ thể, công bố thủ tục đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy mới được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT ngày 01/03/2018.
Theo thủ tục mới, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 01 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi.
Các trường/ nhóm trường điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định; quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức; công bố kết quả trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng khác.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/04/2018.
Có thể xem chi tiết Quyết định 1160/QĐ-BGDĐT tại đây.
b. Kế hoạch thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ ngành giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ ngành Giáo dục theo Quyết định 1229/QĐ-BGDĐT ngày 30/03/2018.
Theo đó, Kế hoạch thu hút nhân tài ngành Giáo dục đặt ra nhiệm vụ: Từ tháng 6/2018 tổng hợp, lập danh sách sinh viên thuộc diện thu hút đang học tại các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước.
Đồng thời kế hoạch hàng năm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của chính sách; Kiểm tra việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức thuộc diện thu hút ở đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đánh giá tình hình thực hiện chính sách này.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch thuộc kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ được giao của mỗi đơn vị.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Có thể xem chi tiết Quyết định 1229/QĐ-BGDĐT tại đây.
c. Sẽ có ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Kế hoạch triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của ngành Giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Quyết định 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/03/2018.
Theo Kế hoạch này, trong giai đoạn 2018 – 2020, thí điểm xây dựng 03 mô hình trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tại 03 khu vực; giai đoạn 2021 – 2025, hình thành ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong cả nước trên cơ sở sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường.
Đến năm 2025, sẽ có ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường, tạo không gian dùng chung cho sinh viên; thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp phù hợp với nhóm ngành đào tạo.
Bộ cũng cho biết thêm, hàng năm sẽ tổ chức chuỗi sự kiện ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh sinh viên trong toàn quốc; đồng thời, các trường có thể xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn, phù hợp với thực tiễn.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Có thể xem chi tiết Quyết định 1230/QĐ-BGDĐT tại đây.
- Lĩnh vực an toàn thực phẩm:
Bãi bỏ 28 TTHC về lĩnh vực an toàn thực phẩm và dinh dưỡng
Đây là nội dung nổi bật tại Quyết định 2318/QĐ-BYT về việc công bố TTHC mới ban hành/bị bãi bỏ lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) và dinh dưỡng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.
Theo đó, Quyết định đã bãi bỏ 28 TTHC về lĩnh vực ATTP và dinh dưỡng tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP và Thông tư 09/2015/TT-BYT ; đơn cử bãi bỏ các thủ tục sau:
– Công bố hợp quy đối với sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bên thứ nhất) thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế;
– Cấp giấy xác nhận:
+ Công bố phù hợp quy định ATTP đối với thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng;
+ Nội dung quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ …
– Cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng…
Ngoài việc bãi bỏ, Quyết định cũng ban hành thêm 10 TTHC mới về lĩnh vực ATTP và dinh dưỡng tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018.
Quyết định 2318/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 06/4/2018.
Có thể xem chi tiết Quyết định 2318/QĐ-BYT tại đây.
- Lĩnh vực phân bón:
Từ 16/4/2018: Sử dụng phân bón không đúng hướng dẫn sẽ bị phạt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón. Theo đó:
– Đối với hành vi sử dụng phân bón không đúng hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón sẽ bị phạt cảnh cáo.
– Đối với hành vi sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng.
Đây là chế tài hoàn toàn mới áp dụng với đối tượng vi phạm là người sử dụng phân bón (quy định hiện hành tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP không xử phạt đối tượng này).
Ngoài ra, Nghị định 55 cũng có một số điểm mới đáng chú ý về cách xác định mức phạt căn cứ vào giá trị của lô phân bón. Đơn cử như trường hợp xử phạt đối với hành vi kinh doanh phân bón hết hạn sử dụng:
– Phạt cảnh cáo đối với trường hợp phân bón có giá trị dưới 1.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng…
Xem nội dung chi tiết tại Nghị định 55/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 16/4/2018; riêng khoản 4 Điều 7 sẽ có hiệu lực từ ngày 20/9/2020 đối với tổ chức, cá nhân đã và đang hoạt động buôn bán phân bón trước ngày 20/9/2017.
Có thể xem chi tiết Nghị định 55/2018/NĐ-CP tại đây.