1. Lĩnh vực quảng cáo
Quy định mới nhất về đặt biển quảng cáo ngoài trời
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời đã được Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 04/2018/TT-BXD ngày 20/5/2018.
Quy chuẩn này đặt ra một số nguyên tắc, quy định khi lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời như sau:
– Biển hiệu phải đặt treo/gắn/ốp sát cổng hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Nếu biểu hiệu treo ngang cổng hoặc lối vào phải đảm bảo khoảng cách thông thủy từ mép dưới biển xuống điểm cao nhất của mặt lối đi không nhỏ hơn 4,25 m.
– Bảng quảng cáo; Màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời; Biển hiệu… phải đảm bảo tầm nhìn giao thông, không che khuất tầm nhìn biển báo giao thông; Không che lấp nóc/mái nhà trừ các phương tiện quảng cáo chữ, hình và biểu tượng;
– Tất cả các bề mặt và cạnh nhìn thấy của phương tiện quảng cáo ngoài trời nêu trên phải là vật liệu ít bị ăn mòn; Vật liệu của phương tiện quảng cáo phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế;
– Màn hình chuyên quảng đặt ngoài trời không được dùng âm thanh. Màn hình đứng độc lập có chiều cao tối thiểu tính từ điểm cao nhất của mặt đường đến cạnh dưới của màn hình là 5 m.
Có thể xem chi tiết Thông tư 04/2018/TT-BXD ngày 20/5/2018 tại đây.
2. Lĩnh vực thủ tục hành chính
a. Công chức không được kéo dài thời gian giải quyết TTHC
Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) có hiệu lực từ ngày 21/6/2018.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông không được:
– Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết TTHC hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật;
– Cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC;
– Trực tiếp giao dịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không thông qua Bộ phận Một cửa, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi;
– Ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở…
Có thể xem chi tiết Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 20/5/2018 tại đây.
b. Phí photo tài liệu từ cơ quan Nhà nước 3000 đồng/trang
Ngày 14/5/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-BTC quy định chi tiết thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Tiếp cận thông tin.
Cụ thể, người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin với mức như sau:
– Photo tài liệu giấy (đã bao gồm vật tư) đen trắng 3000 đồng/trang A4; photo màu 18.000 đồng/trang A4.
– In từ phim, ảnh gốc (đã bao gồm vật tư) dao động từ 36.000 đồng/tấm – 135.000 đồng/tấm tùy kích cỡ.
– In sao tài liệu ghi âm (không bao gồm vật tư) 27.000 đồng/phút nghe.
– In sao phim điện ảnh (không bao gồm vật tư) 54.000 đồng/phút chiếu.
Cũng theo Thông tư này, sao chụp tài liệu từ cơ quan Nhà nước tại địa bàn khó khăn chỉ bằng 70% mức thu; tại địa bàn đặc biệt khó khăn chỉ bằng 50% mức thu nêu trên.
Người yêu cầu cung cấp thông tin không phải trả chi phí gửi thông tin yêu cầu cung cấp qua mạng điện tử, fax.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Có thể xem chi tiết Thông tư 46/2018/TT-BTC tại đây.
c. Công bố mức thu phí chứng thực mới nhất
Ngày 9/5/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định 1024/QĐ-BTP công bố thủ tục hành chính sửa đổi lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó có quy định về mức thu phí chứng thực mới nhất.
Cụ thể như sau:
– Phí chứng thực bảo sao từ bản chính: 2000 đồng/trang, từ trang thứ 3 trở lên thu 1000 đồng/trang, tối đa không quá 200.000 đồng/bản.
– Phí chứng thực chữ ký: 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được tính là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản).
– Phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch: 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch
– Phí chứng thực việc sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch: 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch
– Phí cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực: 2.000 đồng/trang; từ trang thứ 3 trở lên thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu không quá 200.000 đồng/bản.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Có thể xem chi tiết Quyết định 1024/QĐ-BTP tại đây.
3. Lĩnh vực lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng
Ngày 15/6/2018, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Theo đó, từ thời điểm 1/7/2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với các đối tượng sau:
– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu;
– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng;
– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng
– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng theo Quyết định 130/CP năm 1975 và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.
– Quân nhân, Công an đang hưởng trợ cấp hàng tháng
– Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
Có thể xem chi tiết Nghị định 88/2018/NĐ-CP tại đây.
4. Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
Mức phạt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
Đây là quy định mới tại Nghị định 64/2018/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 22/6/2018) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Theo đó:
– Phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS);
– Phạt từ 60.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng:
+ Vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà tổng giá trị các sản phẩm thức ăn dưới 100.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng;
– Từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng với vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến mức truy cứu TNHS nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có một trong các quyết định:
+ Không khởi tố vụ án hình sự (VAHS);
+ Hủy bỏ quyết định khởi tố VAHS;
+ Đình chỉ điều tra;
+ Đình chỉ vụ án.
Có thể xem chi tiết Nghị định 64/2018/NĐ-CP tại đây.