- Lĩnh vực du lịch
Thay đổi mức phí cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
Thông tư 33/2018/TT-BTC quy định về phí thẩm định cấp GPKD lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa; thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; cấp giấy phép thành lập VPĐD tại Việt Nam của doanh nghiệp lữ hành nước ngoài.
Theo đó, một số quy định mới về mức phí, gồm:
- Phí thẩm định cấp GPKD dịch vụ lữ hành nội địa:
+ Cấp mới: 3.000.000 đồng/giấy phép;
+ Cấp đổi: 2.000.000 đồng/giấy phép;
+ Cấp lại: 1.500.000 đồng/giấy phép.
- Giảm mức phí thẩm định cấp GPKD lữ hành quốc tế với trường hợp cấp đổi, cấp lại:
+ Cấp đổi: 2.000.000 đồng/giấy phép;
+ Cấp lại: 1.500.000 đồng/giấy phép.
(Quy định hiện hành là 3.000.000 đồng/giấy phép cấp đổi, cấp lại)
Ngoài ra, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm cả cấp mới, cấp đổi và cấp lại), mức phí là: 650.000 đồng/ thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa và 200.000 đồng/ thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm
Thông tư 33/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 14/5/2018 và thay thế Thông tư 177/2016/TT-BTC ngày 01/11/2016.
Có thể xem chi tiết Thông tư 33/2018/TT-BTC tại đây.
- Lĩnh vực thuế – phí – lệ phí:
Quy định mới về khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN
Theo Thông tư số 25/2018/TT-BTC, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau… Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.
Có thể xem chi tiết Thông tư số 25/2018/TT-BTC tại đây.
- Lĩnh vực kế toán – kiểm toán
Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 5 triệu đồng
Từ 1/5, tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán từ 30 triệu lên 50 triệu đồng đối với cá nhân, 60 triệu lên 100 triệu với tổ chức. Hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn… bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 41/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán không đúng thẩm quyền; Chữ ký của một người không thống nhất…
Với hành vi không tổ chức bàn giao công tác khi thay đổi kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán bị phạt đến 10 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.
Có thể xem chi tiết Nghị định số 41/2018/NĐ-CP tại đây.
- Lĩnh vực tài chính – ngân hàng:
Không có nợ xấu trong 3 năm được cấp tín dụng vượt hạn mức
Theo Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 03 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…
Mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; Số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký; Số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.
Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.
Có thể xem chi tiết Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg tại đây.
- Lĩnh vực giáo dục:
Tiêu chí xác định hàng hóa chuyên dùng phục vụ cho giáo dục
Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2018/TT-BGDĐT về tiêu chí để xác định hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục. Theo đó:
Hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục là hàng hóa được sử dụng cho hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy, học và nghiên cứu khoa học của người dạy và người học trong các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
- Tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
- Có cấu tạo, công năng sử dụng đặc thù, chỉ được sử dụng trong các cơ sở giáo dục.
- Thuộc danh mục thiết bị dạy học trong giáo dục mầm non, phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành hoặc nằm trong danh mục mua sắm, đấu thầu thuộc dự án đầu tư, nhiệm vụ khoa học trong các cơ sở giáo dục đã được phê duyệt.
- Đảm bảo tính sư phạm, phù hợp với mục tiêu, chương trình ở các cấp học, trình độ đào tạo; đảm bảo mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
- Phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Thông tư 11/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2018.
Có thể xem chi tiết Thông tư 11/2018/TT-BGDĐT tại đây.